Theo báo cáo của Ban CPO, về giải ngân vốn kế hoạch Bộ giao, lũy kế giá trị giải ngân đến ngày 25/12/2023 là 851.358 triệu VND (vốn ODA là 731.090 triệu VND và vốn đối ứng Trung ương là 120.268 triệu VND), đạt 95% kế hoạch vốn Bộ giao ban đầu và đạt 85% sau điều chỉnh bổ sung. Dự kiến luỹ kế giá trị giải ngân đến 31/1/2024 là 951.566 triệu đồng, đạt 106% kế hoạch vốn Bộ giao ban đầu và đạt 95% sau điều chỉnh bổ sung.
Ông Vũ Đình Xiêm, Phó trưởng ban CPO cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn, tồn tại nhưng trong thời gian qua, Ban CPO đã đạt nhiều kết quả tích cực; công tác thực hiện, giải ngân đều đạt và vượt so với giá trị đã đăng ký với Bộ; công tác vận động các dự án mới vẫn được duy trì và phát huy nhằm tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và nhu cầu phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác các nhà tài trợ mới như KfW…
Theo đại diện CPO, những nỗ lực này đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ giao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành. Trong năm qua, các dự án do Ban Quản lý CPO thực hiện nhận được sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của các nhà tại trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức (KfW), Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Theo đó, các dự án được triển khai bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Đối với các dự án đang chuẩn bị, mặc dù công tác vận động tài trợ, chuẩn bị dự án giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ODA gặp nhiều khó khăn, Ban CPO đang tích cực chuẩn bị 8 dự án cho giai đoạn này là ADB9, ADB10, WB10, KEXIM2, Mekong Delta 2/KfW2, JICA5, WB11/MERIT, ADB11, với tổng giá trị vốn vay khoảng 1.314,15 triệu USD.
Đối với các dự án đã hoàn thành, Ban CPO đã hoàn thành hồ sơ quyết toán đổi với 2 dự án là Dự án Quản lý thiên tai (WB5) và Dự án Quản lý Thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6), hiện đang chờ Bộ phê duyệt.
Ông Phạm Đình Văn, Trưởng ban CPO cho rằng, từ những kết quả đạt được của năm 2023, trên cơ sở đánh giá những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện các dự án của Ban CPO cho thấy những nhiệm vụ của năm 2024 và các năm tiếp theo là rất lớn, đòi hỏi chủ dự án, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án thành phần phải tập trung cao độ, phấn đấu hết sức để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.
Năm 2024, Ban CPO đặt mục tiêu đạt trên 95% giải ngân vốn kế hoạch Bộ giao; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất cho 1 dự án và chủ trương đầu tư cho 1 dự án vốn vay; Ký kết hiệp định vay cho 1 dự án; Hoàn thành công tác quyết toán hoàn thành đối với các dự án đã kết thúc; Tiếp tục triển khai 100% số lượng gói thầu do Ban CPO quản lý tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng và quy trình của nhà tài trợ; Hoàn thiện và áp dụng chuyển đổi số tại Ban CPO đồng thời đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện, quản lý dự án;…
Tại Hội nghị tổng kết, Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), Bộ NN-PTNT được đại diện Bộ Công an trao quyết định công nhận cơ quan đạt tiêu chuẩn về an toàn, an ninh trật tự nhằm ghi nhận những đóng góp của đơn vị trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngoài ra, đơn vị cũng nhận giấy khen của Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế cho tập thể Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO) vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nguồn: nongnghiep.vn