Đặc sắc cây bưởi Hà Nội
Đặc sắc ở đây có hai ý, thứ nhất là tính đa dạng của vùng bưởi Hà Nội rất cao. Việt Nam có rất nhiều giống bưởi nổi tiếng như bưởi năm roi (Vĩnh Long), bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Tân Triều (Đồng Nai), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)…, còn Hà Nội thì tự hào có bưởi Diễn (giống bưởi nổi tiếng thuộc làng Diễn trước đây, nay thuộc các phường Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội – PV). Hà Nội, cụ thể là vùng sông Đáy, được coi là một trong những cái gốc phát tích ra các giống bưởi đa dạng.
Lưu vực sông Đáy với sự phong phú về cây ăn quả chẳng khác gì lưu vực sông Hằng của Ấn Độ với sự phong phú về văn hóa. Lưu vực sông Đáy là nơi phát tích các giống bưởi mới để chúng cứ sinh sôi, nảy nở dần.
Bên cạnh bưởi Diễn đã vô cùng nổi tiếng còn có những loài bưởi khác gồm bưởi đường La Tinh tại xã Đông La, bưởi Quế Dương, bưởi đường Cát Quế tại xã Cát Quế, bưởi đường Hiệp Thuận tại xã Hiệp Thuận, bưởi đào chín sớm Song Phượng tại xã Đồng Tháp, bưởi Tam Vân tại xã Vân Hà, bưởi Thồ Phú Xuyên tại xã Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm tại xã Sài Sơn, bưởi đỏ Đông Cao tại xã Tráng Việt…
Chính nhờ sự phong phú này mà Hà Nội có thể đa dạng hóa về sản phẩm, về khẩu vị, về thời vụ cho bưởi. GS.TS Vũ Mạnh Hải cứ ấn tượng mãi về chuyện một giáo sư cây ăn quả của Israel đã tổng kết rằng: “Người tiêu dùng yêu cầu hương vị của quả như thế nào thì những nhà khoa học phải chọn tạo ra loại đúng như thế, kể cả là tạo ra một giống táo có vị đắng”. Bởi thế, các giống bưởi đa dạng của Hà Nội thực sự là một kho báu nếu biết khai thác, phát triển đúng hướng.
Cũng theo ông Hải, cuộc thi bưởi lần thứ hai này khẳng định Hà Nội là vùng rất có thế mạnh về cây bưởi. Ngoài ý nghĩa tôn vinh những nông dân giỏi, mô hình đẹp, điều rất quan trọng khẳng định vị trí của cây bưởi trong phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung của Hà Nội. Thành phố và Sở Nông nghiệp và PTNT sau khi quảng bá sản phẩm bưởi trong và ngoài nước, phải làm sao nâng cao trình độ kỹ thuật cho người dân và đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm, gắn chặt giữa sản xuất và kinh doanh, gắn chặt nông dân với cây bưởi…
Hội thi bưởi Hà Nội được khơi nguồn cảm hứng từ năm 2017, khi Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội (tiền thân của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ tổ chức thành công hội thi bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và kết nối tiêu thụ nông sản an toàn.
Trùng lặp là những mô hình thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật khắc phục hiện tượng mất mùa, tăng năng suất bưởi Diễn đều lọt vào chung kết và đạt các giải cao như vườn ông Phùng Văn Điển ở xã Nam Phương Tiến đạt giải nhất, vườn ông Nguyễn Đức Thọ ở thị trấn Xuân Mai đạt giải nhì, vườn ông Nguyễn Hải Sơn ở xã Nam Phương Tiến đạt giải ba. Đó được coi như một hội thi bưởi cấp huyện. Để năm sau, 2018 Hà Nội chính thức tổ chức hội thi bưởi lần đầu tiên và năm 2023 là hội thi bưởi lần thứ hai.
Với mục tiêu cung cấp mắt ghép, giống chuẩn và bảo tồn giống đặc sản địa phương, Hà Nội đã xây dựng được 5 vườn cây đầu dòng (bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi tháng mười, bưởi đỏ Tân Lạc) và 112 cây đầu dòng của 11 giống bưởi. Đồng thời công nhận đặc cách 4 giống bưởi: Bưởi đường La Tinh, bưởi đường Quế Dương, bưởi thồ, bưởi đỏ bánh men.
Nghĩ cho chặng đường dài
Thực hiện kế hoạch phát triển bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội, giai đoạn năm 2021-2023 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã làm được rất nhiều việc. Quan trọng nhất là đơn vị đã giúp nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa lớn, tập trung theo hướng xuất khẩu. Tăng cường việc bảo quản, chế biến nông sản theo hướng bền vững, tăng giá trị nông sản phẩm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho họ. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất bưởi năm 2023 ước đạt 2.176 tỷ đồng tăng 279 tỷ đồng so với năm 2020.
Tuy nhiên, để việc phát triển bưởi của Hà Nội thực sự đi vào chiều sâu và bền vững, thành phố định hướng năm 2024 – 2025:
1. Giữ ổn định diện tích bưởi xung quanh 7.600ha để nâng cao chất lượng và đa dạng cơ cấu giống bưởi để dải vụ thu hoạch như: Bưởi Thồ, Bưởi Diễn, bưởi chua đầu tôm, bưởi Tam Vân, bưởi Đường Cát Quế, bưởi La Tinh, bưởi đỏ Tráng Việt, bưởi tháng mười, bưởi đỏ bánh men, bưởi đường Hiệp Thuận giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm cuối năm.
2. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật mới, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất, tiến đến hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng giống bưởi; mở rộng diện tích áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất an toàn (VietGAP, GAP khác), sản xuất hữu cơ; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
3. Tăng cường việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch từ các nước có nền sản xuất tiến tiến để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
4. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, giới thiệu sản phẩm bưởi tại các hội chợ, hội thi về sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và phát triển kênh phân phối chính thức và uy tín như siêu thị; hình thành một số cửa hàng cung ứng sản phẩm theo chuỗi.
5. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm quả. Khuyến khích các HTX, hiệp hội tham gia các hội chợ, triển lãm hàng nông sản trong nước; tuyên truyền những cơ sở kinh doanh nông sản sạch trên website, các báo, đài.
6. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi, từng bước hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh bưởi có sự tham gia của nông dân và tổ chức xã hội ở địa phương.
Nguồn: nongnghiep.vn