Ngày 28/12, tại Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”.
Doanh nghiệp tích cực vào cuộc
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Tân Thành (Công ty Tân Thành) cũng cho hay, sản phẩm thuốc BVTV sinh học được công ty ưu tiên phát triển, nhằm mục tiêu đáp ứng cho nền nông nghiệp đạt tiêu chuẩn toàn cầu, an toàn cho sức khỏe và môi trường.
Đặc biệt, Tân Thành đã xây dựng quy trình “Sức mạnh sinh học trên cây lúa” với hơn 40% thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Trong những năm qua, công ty đã có nhiều khuyến cáo bà con nông dân về việc áp dụng quy trình sức mạnh sinh học trong canh tác.
Cụ thể, công ty tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả với tổng kinh phí 1,25 tỷ đồng; tập huấn cho đại lý, cơ sở buôn bán về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; triển khai các mô hình canh tác sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, thuốc BVTV sinh học trên các cây trồng chủ lực. Công ty cũng hỗ trợ bà con thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, gồm: xây dựng bể chứa, mô hình thu gom thuốc BVTV đã qua sử dụng để đổi quà tết cho nông dân vào mỗi dịp cuối năm.
Sau hơn 13 năm thực hiện, mô hình đã thu gom khoảng 450 tấn vỏ chai, gói sau 13 lần thu đổi với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Các loại bao bì, vỏ chai sẽ được công ty tiêu hủy tại Long An.
Đại diện Công ty Tân Thành cũng đề xuất, Cục BVTV nên đơn giản quy trình đăng ký và rút ngắn thời gian khảo nghiệm các loại thuốc BVTV sinh học. Đồng thời, tham mưu Bộ NN-PTNT xây dựng chuỗi giá trị nông sản cho các vùng sản xuất có sử dụng thuốc BVTV sinh học để khích lệ bà con nông dân thay đổi hành vi trong sản xuất.
Tại Diễn đàn, đại diện Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC) chia sẻ, công ty đang chủ trương đa dạng hóa thuốc BVTV theo hướng an toàn, phù hợp với chiến lược nông nghiệp xanh. SPC lập hội đồng nhập khẩu để tìm kiếm nhập khẩu các sản phẩm mới có độ độc thấp và đặc biệt là thuốc có nguồn gốc vi sinh vật, thảo mộc và các dạng bào chế công nghệ cao như nano/micro.
Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ thống nhà nông SPC (năm 2021) với 92 nông dân trực tiếp trồng trọt được tham gia tập huấn thường xuyên về chăm sóc cây trồng đặc biệt là về BVTV. Đến năm 2022, đội ngũ nông dân tham gia tăng lên 194 người và 320 người năm 2023. Nếu như những năm trước hầu hết lực lượng tham gia ở các tỉnh phía Nam và 90% là nông dân trồng lúa thì đến nay đã trải khắp cả nước, đại diện cho 20 cây trồng chính ở các vùng miền.
SPC cũng tham gia Chương trình 1 triệu ha lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học ở ĐBSCL; đang triển khai 5 mô hình (mỗi mô hình 5ha). Các mô hình này chỉ được sử dụng thuốc BVTV hóa học giai đoạn đầu, sau đó sử dụng phân bón và thuốc BVTV nhóm hữu cơ, sinh học. Đồng thời, áp dụng công nghệ Drone.
SPC đã ký cam kết với Cục BVTV và đang triển khai nhiều mô hình trên cây trồng trọng điểm ở các địa phương. Tại ĐBSCL, SPC phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang thực hiện mô hình trên lúa, nhãn, xoài, thanh long. Các mô hình này được Cục BVTV kiểm tra, đánh giá theo định kỳ 6 tháng và 1 năm.
Từ kết quả mô hình lúa ở Việt Nam, SPC triển khai mô hình sản xuất lúa nếp tại Lào áp dụng quy trình quản lý dịch hại theo hướng hữu cơ sinh học, cho năng suất cao hơn 20% và tăng lợi nhuận 15% so với tập quán của nông dân đang áp dụng. Mô hình kết thúc tháng 11/2023, được Bộ Nông nghiệp Lào, các viện, trường và lãnh đạo địa phương trọng điểm lúa ở Lào đánh giá rất cao.
Việc quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học được ưu tiên
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, hiện trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có rất nhiều thuốc BVTV được đăng ký phòng trừ sinh vật gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, chủ yếu là các cây trồng chính như lúa, cà phê, rau, cây ăn quả…, tuy nhiên đối với một số cây trồng như chanh leo, dâu tây… thì số lượng thuốc BVTV đăng ký rất ít khoảng 9-10 thuốc.
Bên cạnh đó một số sinh vật gây hại trên một số cây trồng đặc thù lại không có thuốc BVTV được đăng ký. Cục BVTV đã có văn bản để hướng dẫn, ưu tiên các tổ chức, cá nhân đăng ký các sinh vật gây hại trên các cây trồng này.
Việc thu gom vỏ bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 05/2016/TT-BNNPTNT-BTNMT. Trước hết, việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thuộc trách nhiệm người sử dụng thuốc, của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Hướng dẫn thu gom bao gói đúng chỗ, địa điểm đặt bể chứa thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã. Việc xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được quy định tại Luật Môi trường.
Theo quy định của Luật Môi trường và các văn bản hướng dẫn, các doanh nghiệp thuốc phải đóng góp, sử dụng, đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trong thời gian vừa qua Cục đã phối hợp với Croplife, Hiệp hội VIPA và các doanh nghiệp khác có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ phối hợp với hiệp hội VIPA, Croplife và Bộ Tài nguyên Môi trường, hướng dẫn các quy định trong công tác thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV, đặc biệt là việc lập đề cương để đề xuất kinh phí cho việc xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Nội dung quản lý nhãn mác, bao bì bị làm giả, làm nhái, toàn bộ các quy định này đã được quy định cụ thể tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính. Để quản lý tốt hơn, được phân cấp, phân quyền cho các cơ quan tại địa phương, gồm Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; bên cạnh đó Cục BVTV cũng đã ký hợp tác với lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, việc quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học đang được ưu tiên hơn thuốc hóa học. Thời gian đăng ký, phí đăng ký, khảo nghiệm, thời gian khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học đã được cắt giảm rất nhiều so với thuốc BVTV hóa học. Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học còn nhiều hạn chế nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của người dân và các bên liên quan chưa đúng về hiệu lực, kỹ thuật sử dụng, hiệu quả kinh tế của thuốc BVTV sinh học. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật hơn thuốc BVTV hóa học và giá thành của thuốc BVTV sinh học cao hơn cũng là rào cản cho việc sử dụng rộng rãi.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc kiểm soát tồn dư trong nông sản là nhiệm vụ hàng đầu, việc tuân thủ đầy đủ theo khuyến cáo sản xuất, sử dụng đúng theo nguyên tắc 4 đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly là điều kiện quan trọng để kiểm soát tồn dư thuốc BVTV trong nông sản. Bên cạnh đó tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở các khu vực sản xuất, đặc biệt ở các khu vực chuyên sản xuất rau, chè, cây ăn quả; phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Nguồn: nongnghiep.vn