Nhiều tàu cập cảng đạt sản lượng khá
Hai chuyến biển gần đây, tàu BĐ 97603 TS do ngư dân Trần Thu, ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) làm truyền trưởng mới vươn khơi bám biển trở lại ‘săn’ cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa.
Dù chưa vào vụ chính đánh bắt cá ngừ nhưng chuyến biển cập cảng vào ngày 26/12 vừa qua tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) sau 20 ngày bám biển, tàu của ông Thu đánh bắt được 55 con, sản lượng khoảng 2 tấn. Còn chuyến biển cập cảng trước đó, tàu của ông đạt sản lượng 1,5 tấn. Điều này chứng tỏ ngư trường bắt đầu xuất hiện cá ngừ dày hơn nên sau khi cập cảng Hòn Rớ bán cá, ông Thu tiếp tục chuẩn bị nguyên vật liệu cho chuyến biển vài ngày tới.
Theo ngư dân Trần Thu, với giá cá ngừ đại dương hiện mức thấp chỉ 100 ngàn đồng/kg nhưng nhờ đạt sản lượng 2 tấn nên ông vẫn lãi 80 triệu đồng. Sau khi ăn chia theo tỷ lệ, chủ tàu thu nhập 40 triệu đồng, còn 5 lao động mỗi người được 8 triệu đồng.
Tương tự, tàu KH 91568 TS, ở phường Xương Huân, TP Nha Trang do ngư dân Trương Văn Nhân làm thuyền trưởng cũng vừa cập cảng Hòn Rớ được 59 con, sản lượng 2,3 tấn. Sau khi trừ chi phí, tàu của ngư dân Nhân lãi 100 triệu đồng.
Đây là chuyến biển được các ngư dân nhận định ngư trường có cá hơn những chuyến biển trước đó. Ông Nguyễn Văn Ba, phụ trách Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết, từ ngày 25-27/12, đơn vị đón 21 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung bộ cập cảng. Hầu hết các tàu cập cảng đều đạt sản lượng khá hơn các tháng trước, trung bình trên 2 tấn/tàu.
Bước vào chính vụ khai thác
Từ tháng 11 âm lịch khi gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, cũng là lúc ngư dân các tỉnh khu vực Nam Trung bộ bước vào vụ chính khai thác cá ngừ đại dương. Với tín hiệu lạc quan là khi các tàu trở về cập cảng chuyến biển này đạt sản lượng đã tiếp động lực cho các tàu chuẩn bị vươn khơi trong những ngày tới.
Ngư dân Võ Ngọc Tùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang) cho biết, hiện ngư dân trong nghiệp đoàn đang tất bật chuẩn bị nhiên liệu, đá cây và nhu yếu phẩm để bước vào vụ chính khai thác cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa…
Đây là mùa các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương làm ăn vì đàn cá sẽ xuất hiện và di chuyển từ vùng biển phía Bắc vào phía Nam. Nếu các tàu tổ chức khai thác đúng thời điểm và “trúng” luồng cá di chuyển sẽ “trúng đậm”. Do vậy, vào mùa này, hầu hết các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương sẽ bám biển liên tục, thậm chí đánh bắt xuyên Tết. Trong đó, các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và nhà dàn DK1 là nơi các tàu tập trung đánh bắt cá ngừ đại dương. Vụ chính khai thác cá ngừ sẽ kéo dài từ nay cho đến tháng 3 âm lịch năm sau và sau đó trở đi đàn cá sẽ vắng dần.
Để chuẩn bị cho chuyến biển “săn” cá ngừ, tàu của ngư dân Nguyễn Văn Thanh, ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng đã tiếp 4.500 lít dầu, 500 cây đá, cùng với nhu yếu phẩm. Ngư dân Nguyễn Văn Thanh cho biết, vào vụ mới khai thác cá ngừ, các ngư dân Khánh Hòa đều kỳ vọng một mùa cá đầy khoang để kiếm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo đại diện Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có 3.194 tàu cá, trong đó 661 tàu có chiều dài từ 15 trở lên, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương, cá cờ kiếm và cá ngừ sọc dưa…Hàng năm, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương dao động từ 2.500 – 3.000 tấn và cá ngừ dọc sưa, cá ngừ khác từ 18.000 – 21.000 tấn.
Bước vào vụ chính khai thác cá ngừ năm nay, hiện thời tiết trên biển phức tạp, sóng gió lớn, áp thấp nhiệt đới có thể xảy ra nên các chủ tàu cá phải cập nhập tình hình dự báo trước khi ra khơi để đảm bảo an toàn. Chi cục Thủy sản yêu cầu các thuyền trưởng, chủ tàu tham gia khai thác thủy sản theo tổ đội, nhằm đảm bảo an toàn cũng như giúp đỡ hỗ trợ nhau trên biển là rất cần thiết.
Song song việc bám biển mưu sinh, để góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đề nghị các chủ tàu hoặc thuyền trưởng thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ, giấy tờ liên quan khi rời và cập cảng; chấp hành việc kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá ít nhất 1 giờ trước khi tàu cập cảng; nộp nhật ký khai thác và báo cáo khai thác hải sản cho tổ chức quản lý cảng cá. Tất cả các chủ tàu cá từ 15m trở lên phải cập cảng cá chỉ định do Bộ NN-PTNT công bố. Luôn mở thiết bị giám sát hành trình 24/24h từ khi tàu rời cảng và hoạt động đúng nghề, đúng vùng, không khai thác vùng biển nước ngoài, không vi phạm các quy định về khai thác bất hợp pháp IUU…
Theo ngư dân Trần Thu, thông thường, trước khi vươn khơi, chủ tàu sẽ theo dõi dự báo thời tiết trên biển ít nhất khoảng 10 ngày tới. Nếu thời tiết đảm bảo an toàn tuyệt đối mới cho tàu vươn khơi. Trong quá trình đánh bắt mà nhận thấy thời tiết có dấu hiệu bất thường, các tàu sẽ nhanh chóng di chuyển vào bờ hoặc tìm đến nơi gần nhất để tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, việc đảm bảo thiết bị giám sát hành trình, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc, định vị và các trang bị cứu sinh, cứu hỏa trên các tàu cá khi vươn khơi là rất cần thiết và quan trọng.
Nguồn: nongnghiep.vn