Chủ động kiểm soát nguồn ô nhiễm
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Hoàng Văn Thức thông tin.
Theo Cục trưởng Hoàng Văn Thức, năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh đơn vị mới được thành lập, vừa phải kiện toàn tổ chức để nhanh chóng đi vào ổn định, vừa phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để đưa công tác bảo vệ môi trường và nhiệm vụ chuyên ngành về kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai xuyên suốt.
Cục đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; đang trình 2 Quyết định về Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030. Trình Bộ trưởng Bộ TN-MT ban hành 2 Thông tư (Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT và Thông tư số 04/2023/TT-BTNMT). Cục đã ban hành 4 QCVN về chất lượng môi trường; đang trình ban hành 9 QCVN, trong đó có 4 QCVN về chất thải và 5 QCVN về phế liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, để Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 đi vào cuộc sống, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành/ ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT.
Đặc biệt, Cục đã tham mưu Bộ ban hành 2 Văn bản hướng dẫn về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT 2020. Cục đã và đang tập trung, khẩn trương xây dựng hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và phối hợp xây dựng hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
2023 cũng là năm đầu tiên tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam theo tinh thần hướng về địa phương, cơ sở. Qua đó, Bộ cùng với các địa phương đã có những trao đổi, hướng dẫn các quy định, chính sách của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, giúp việc triển khai thực hiện được hiệu quả và thống nhất.
Đồng thời, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về BVMT, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm môi trường có tính đặc trưng của khu vực và vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh.
Hoạt động phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các nguồn thải lớn được thực hiện bài bản với 18 Tổ giám sát được triển khai và không để xảy ra sự cố về ô nhiễm môi trường. Hoạt động kiểm tra đã được triển khai quyết liệt với tổng số 247 cơ sở. Theo đó, đã xử lý/kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT đối với 48 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng. Qua đó các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, vận hành ổn định.
Bên cạnh đó, Cục đã duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục đối với các trạm quan trắc môi trường quốc gia, kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến hiện trạng môi trường, cảnh báo chất lượng môi trường cho cộng đồng, người dân. Năm 2023, có thêm 18 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục được đưa vào hoạt động, nâng tổng số trạm quan trắc môi trường tự động liên tục lên thành 59 trạm. Cục cũng ban hành 24 báo cáo định kỳ về chất lượng môi trường kèm theo những cảnh báo, dự báo về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thúc đẩy tái chế rác thải, biến rác thải thành tài nguyên
Đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị năm 2023 ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.
Nhiều địa phương đã xây dựng các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng và quy hoạch tại các địa phương để làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; lồng ghép nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt và quy hoạch chung của các tỉnh/thành phố.
Hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thu hồi năng lượng đã được các địa phương đẩy mạnh. Hiện nay, có 3 nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ và có 15 dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng tại một số tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh…
“Khối lượng công việc kiểm soát ô nhiễm môi trường là rất lớn”
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đánh giá, mặc dù là đơn vị được sắp xếp lại nhưng ngay từ đầu năm 2023, Cục đã nhanh chóng thiết lập, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự để bắt tay ngay vào công việc; từng bước điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế.
Với những kết quả đã đạt được, cho thấy khối lượng công việc của Cục được giao trong năm 2023 là rất lớn, nhưng Cục đã xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và huy động các nguồn lực để giải quyết và hoàn thành khối lượng lớn các công việc.
Với 9 lĩnh vực, 25 nhiệm vụ được giao, Cục sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, do đó cần phát huy tối đa lợi thế của những “cánh tay nối dài” là các đơn vị Chi cục tại các miền; áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý cũng như điều hành; vận hành tốt các Trung tâm tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia góp phần cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời khi môi trường có diễn biến xấu trên phạm vi cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ được các nguồn lực về kinh nghiệm và tài chính cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường…
Nguồn: nongnghiep.vn