Câu hỏi của nông dân Y Pốt Niê đến từ buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk về những chính sách của Chính phủ cho nông dân để khuyến khích, hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị đã nhận được phản hồi từ Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trước khi đặt câu hỏi về việc Chính phủ làm gì cho nông dân thì chính người dân cũng nên tự hỏi bản thân đã làm gì để giúp đỡ nhau? Theo đó, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi sự hình thành và phát triển của kinh tế tập thể. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn bà con nông dân tham gia vào HTX để tránh rủi ro khi không thể tìm được đầu ra; đồng thời thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, cùng nhau phát triển nền nông nghiệp đa giá trị.
Hầu hết các giải pháp để phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đều đã được đề cập, nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực của nông dân.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng ghi nhận những thành tích đáng kể của ngành nông nghiệp trong bối cảnh Việt Nam là đất nước có diện tích canh tác bình quân/hộ sản xuất rất nhỏ, mà diện tích nhỏ thì chi phí càng lớn.
Với câu hỏi thứ hai của nông dân Y Pốt Niê về hỗ trợ nông dân thích ứng với quy định mới của EU trong các lĩnh vực thủy sản, lâm sản…, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT đang cùng các doanh nghiệp đồng hành, trợ giúp bà con, ví dụ đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên.
Các doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn vào giống, vật tư nông nghiệp để cùng nông dân tạo ra những vùng nguyên liệu chất lượng. Điều này cũng là một trong những giải pháp thích ứng với quy định mới của châu Âu như đại biểu vừa đề cập tới. Quy định này bắt đầu áp dụng từ 1/1/2025 với ba ngành lớn của chúng ta, trong đó có cà phê.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi quy định này, Bộ đã cùng Hiệp hội cà phê ký chương trình hành động cụ thể, trợ giúp và đồng hành cùng nông dân hiểu để đáp ứng đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng ta đang trong quá trình đàm phán và vẫn còn thời gian để hoàn thiện. Tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với những điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu, không chỉ với cà phê mà với nhiều loại nông sản khác.
Trách nhiệm của Bộ NN-PTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của Bộ cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân.
Phản hồi ý kiến trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có hoàn thiện thể chế (Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Viễn thông, Luật giao dịch điện tử…), với con người là đầu mối, trung tâm.
Ngoài ra, còn có Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghị định về xóa đói giảm nghèo, Chương trình cho người dân tộc… Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu những đầu tư lớn, cụ thể cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như chính sách thúc đẩy đầu tư công trị giá 800.000 tỷ đồng, trong đó chú trọng phát triển giao thông từ Bắc đến Nam, không phân biệt vùng nào với vùng nào. Chương trình về hạ tầng phòng chống biến đổi khí hậu, vừa qua các tỉnh, thành Trung ương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để khắc phục sạt lở, sụt lún, hạn hán, ngập úng, bão lũ và đã chi từ 6.000 – 7.000 tỷ đồng hỗ trợ bà con khôi phục, phát triển sản xuất.
Thứ hai là cần thúc đẩy chuyển đổi xanh. Việt Nam đã cam kết tới năm 2030 giảm 30% khí metan. Thị trường châu Âu cũng đưa ra các điều kiện về sản xuất bền vững, do đó, sản xuất xanh là bắt buộc để có thể xuất khẩu được hàng hóa.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính tại ĐBSCL vừa được Chính phủ phê duyệt, với 1 triệu ha chuyển đổi trên tổng diện tích canh tác lúa của nước ta chỉ khoảng 7-8 triệu ha/năm. Việt Nam là nước duy nhất trên toàn thế giới có chương trình này. Bộ NN-PTNT phải hướng dẫn các địa phương trồng lúa làm sao xanh, sạch để bán được hàng.
Đặc biệt là năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết phát triển 6 vùng chiến lược, đến nay đã thành lập hội đồng 6 vùng. Đó là những hành động rất quyết liệt, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước.
“Vậy chúng ta nhận thức các nhiệm vụ này thế nào, ngành nông nghiệp thể hiện ra sao? Năm nay khó khăn như thế nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng 3,83%; xuất khẩu vẫn đạt chỉ tiêu, ít nhất được 53 tỷ USD, trong đó hơn 10 ngành, nghề đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Những thành quả đó có sự đóng góp lớn của nông dân. Rõ ràng đây là kết quả của sự xoay chuyển tình thế”, Thủ tướng cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn đó, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã giải ngân được hơn 70% nguồn vốn đầu tư công để phát triển kinh tế.
Như vậy, Đảng, Nhà nước có chính sách, cơ chế, nguồn lực, nhưng nông dân vẫn phải tăng cường tự chủ, đi lên bằng bàn tay khối óc của mình, không được trông chờ ỷ lại.
Nguồn: nongnghiep.vn