Gia đình chị Đinh Thị Khẩn (xã Sơn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình), đã được Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh hỗ trợ cho 200 con gà giống kiến (giống gà địa phương). Sau mấy tháng nuôi, mỗi sáng, đàn gà được thả ra sân với đủ sắc màu.
Chị Khẩn nói: “Gà kiến khi xuất bán cũng tầm từ 1,6 – 2 kg/con thôi. Nhưng giá bán cao hơn rất nhiều so với gà lai. Tôi chọn gần chục con gà trống và mái để lại gây giống nuôi tiếp. Hy vọng là bán được gà giống cho bà con quanh vùng để họ làm “cơm gà Lạc Sơn”.
Nên duyên bởi thúng cơm gà
Vài thập niên đã qua, những người vào tuổi trung niên ở Quảng Bình như vẫn còn nhớ hương vị của đĩa cơm gà trên chuyến tàu thường chạy tuyến Đồng Hới – Vinh và ngược lại. Chuyến tàu này bà con vẫn thường quen gọi tên là tàu chợ.
Chợ có lẽ vì nó cứ ì ạch dừng đỗ lại tất cả các ga có trên cung đường sắt lúc bấy giờ. Bây giờ chuyến tàu này đã không vận hành nữa. Tất cả những ký ức về con tàu chật chội, buôn bán đủ kiểu… như đã là hoài niệm.
Người đi tàu như kiểm đếm các ga đi qua, rồi nhốn lên hỏi nhau: Sắp đến ga Lạc Sơn chưa? Rồi ga Lạc Sơn (thuộc địa phận huyện Tuyên Hoá) cũng đến. Từ nhà ga, chừng hơn chục cô gái trên đầu đội thúng cơm đầy, đi như múa dẻo bươn bả chen lên tàu. Cứ mỗi toa có hai cô lên.
Thúng cơm gà được đặt xuống sàn tàu, hàng chục cánh tay vẫy đặt hàng: “Em ơi, cho anh đĩa cơm đùi. Anh đĩa cơm lòng nhé. Chị ơi, em đĩa ức gà nha…”. Qua bàn tay các cô, đĩa cơm trắng bốc khói kèm thêm miếng thịt gà kho nghệ vàng rộm, thêm mấy miếng măng giòn dậy lên mùi béo, ngọt khiến tay ai đỡ lấy đĩa cơm cũng run run…
Thằng bạn tôi làm nhân viên nhà tàu. Ngày nào cũng có trên tàu và ngày nào cũng có hai cô gái lên từ ga Lạc Sơn bán cơm gà. Ăn riết thành…nghiện. Hắn lại nghiện luôn nụ cười tươi và cái lúm đồng tiền của cô gái bán cơm. Mỗi lần đến giờ, tay hắn đón đĩa cơm gà từ tay cô gái mà miệng như khó ngậm chặt lại vì nụ cười như làm chung chiêng cả hắn và đĩa cơm.
Đến khi, vào một ngày đẹp trời, hắn mời hết thảy bạn bè cùng lớp lên tàu chợ, đi ăn cơm gà Lạc Sơn và tuyên bố: tháng sau sẽ làm đám cưới với cô bán cơm gà. Vân (tên cô gái), mắt cứ ửng hồng và tay cứ phải đẩy đưa tiền cơm mà những người bạn của chồng sắp cưới đưa trả. Dù là bạn, nhưng đám ấy cũng muốn nhân lúc trả tiền mà tranh thủ nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn mà thoăn thoắt của cô rồi ném cái nhìn nể phục đến cho thằng bạn đang thộn mặt ra vì…hạnh phúc.
Tiếng rao “Cơm gà Lạc Sơn…đây”, như đã khẳng định đến Tuyên Hóa mà không ăn cơm gà Lạc Sơn trứ danh thì coi như chưa đến. Món cơm gà do người dân Lạc Sơn, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) “khai sinh” ra từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, để bán rong trên tàu chợ.
Nhưng sự nổi tiếng của nó đã vượt ra khỏi dải đất nhỏ hẹp nép mình một bên là dãy núi đá vôi, một bên là dòng sông Gianh này. Bí quyết thơm ngon của cơm gà Lạc Sơn chính là giống gà kiến thả rong và kỹ thuật kho gà. Vì gà kiến được nuôi thả vườn, nên thịt chắc và ngọt.
Có một điều đặc biệt là qua nhiều chục năm, người bán cơm gà Lạc Sơn vẫn bán theo cách cũ. Cơm gà vẫn được bỏ vào thúng đan bằng nan tre nên giữ được nhiệt lâu mà không mất vị. Lúc di chuyển, người bán phải đội thúng lên đầu. Sở dĩ, lúc trước người bán cơm gà Lạc Sơn bán “cơm đội” là để di chuyển cho dễ dàng, linh động lúc lên tàu hoặc xuống tàu. Có lẽ, hình ảnh giản dị này đã góp phần tạo nên thương hiệu cơm gà Lạc Sơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh, người có thâm niên gần 30 năm bán cơm gà Lạc Sơn nói với tôi, ngày tàu chợ dừng hoạt động, những tưởng cơm gà Lạc Sơn theo đó cũng sẽ biến mất. Nhưng, người Lạc Sơn đã đưa cơm gà xuống phố. Những chị em phụ nữ đội thúng cơm gà theo ô tô về thành phố Đồng Hới, qua thị xã Ba Đồn, ngược lên thị trấn Đồng Lê, thị trấn Quy Đạt.
Cơm gà Lạc Sơn trở thành bữa cơm ngon, rẻ cho người dân lao động và cả cánh nhân viên công sở. “Ban đầu các chị đi bán dạo hay ngồi tại các ngã ba, ngã tư. Đến lúc quen mặt, quen hàng chỉ cần gọi điện. Sau vài phút, các chị đội thúng tất tả “ship” cơm đến tận nơi”, chị Thanh nói.
Có người bảo, giờ cơm gà Lạc Sơn đã mất vị vì gà ấy không còn là gà đồi nuôi thả rong. Chị Thanh cũng nói thật lòng, mỗi ngày chị làm thịt từ 5 – 6 con gà. Nhẩm tính, ở thôn Lạc Sơn có đến hơn 40 người làm nghề này, vị chi mỗi ngày có hơn 200 con gà được tiêu thụ tại chỗ. Gà ta cần phải nuôi từ 5 – 7 tháng mới xuất chuồng, không kịp lớn để bán.
“Nguồn cung không đủ cầu, nên nhiều năm nay, người Lạc Sơn phải mua gà trang trại (gà nuôi công nghiệp khoảng 3 tháng) về nuôi om một thời gian, rồi mới làm cơm gà Lạc Sơn. Cơm gà Lạc Sơn đang thiếu gà Lạc Sơn nên phải làm vậy đó”, chị Thanh bộc bạch.
Đi tìm thương hiệu gà đồi
Ông Lê Văn Tứ (xã Châu Hoá) cho chúng tôi hay, từ khi phong trào nuôi gà công nghiệp nở rộ, giống gà đồi Tuyên Hóa ngày càng ít dần. Cái gì cũng đúng tại thời điểm. Hồi đó, nuôi gà công nghiệp ngắn ngày, thức ăn sẵn nên người người nhà nhà nuôi. Vì vậy, “anh” gà kiến cứ bị hao hụt dần. Hao hụt đến nước cả làng hiếm thấy được con gà trống choai giống gà kiến.
“Bây chừ, đã qua giai đoạn ăn no và chuyển sang nhu cầu ăn ngon thì người ta mới nhớ đến hương vị thơm, ngọt của gà kiến ngày xưa. Nhiều nhà cũng đã ươm được gà trống, mái giống kiến để nhân rộng. Ra chợ, người ta cũng hỏi mua gà kiến về ăn. Nên từ nay, giống gà kiến mới bắt đầu được khôi phục lại đó”, ông Tứ âtm sự.
Trước nguy cơ mai một giống gà đồi, cùng với phương pháp, cách thức chăn nuôi truyền thống, huyện Tuyên Hóa đã đưa vào chương trình phát triển chăn nuôi “Gà đồi Tuyên Hóa” trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Người dân tham gia chương trình sẽ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ giống, thành lập HTX, tổ hợp tác…
Theo ông Đinh Xuân Thương, trưởng phòng NN – PTNT huyện Tuyên Hoá, sự khởi động này nhằm vực lại giống gà chất lượng của địa phương phù hợp với phương pháp, kỹ thuật nuôi truyền thống trên nền tảng công nghệ cao.
“Đây cũng là điểm nhấn để phát huy tiềm năng lợi thế vùng gò đồi, vốn là thế mạnh cho phương pháp chăn nuôi gà thả rong. Và quan trọng hơn, Tuyên Hóa kỳ vọng, từ đây, gà đồi Tuyên Hóa sẽ trở thành một chuỗi thương hiệu cấp huyện”, ông Thương nhìn nhận.
Trên tinh thần này, Hợp tác xã Chăn nuôi gà đồi và Dịch vụ nông lâm nghiệp Sơn Hóa (HTX Sơn Hoá), đã được thành lập để làm đòn bẩy cho phong trào. Nhưng rồi, sau mấy năm triển khai phục hồi “gà đồi Tuyên Hoá”, kết quả không được như mong đợi.
Chúng tôi đã ghé thăm gia đình anh Đoàn Hồng Hà, một trong số ít hộ thành viên kiên trì với nghề chăn nuôi gà đồi của HTX Sơn Hóa. Anh Hà tâm sự, sau hơn 5 năm gắn bó với gà đồi, mỗi lứa anh chỉ nuôi khoảng 100 con. Mỗi năm 3 lứa, nuôi gối nhau để mang đi bán ở chợ. Các thành viên trong HTX thì cũng vậy nên cứ èo uột dần.
“Các thành viên thực hiện nuôi chẵn, bán lẻ mà thôi. Có hộ mua gà giống về nuôi, hơn tháng sau mới biết mua phải giống gà công nghiệp”. Anh Hà bộc bạch.
Sau HTX Sơn Hoá, thêm mấy HTX được thành lập nhưng sau mấy năm hoạt động cũng chỉ còn cái tiếng. Giám đốc một HTX than phiền với chúng tôi rằng, chăn nuôi để duy trì HTX thôi. Nói là HTX, nhưng các thành viên, thân ai nấy lo, HTX không có vai trò gì.
Sau 5 năm thành lập, HTX không mua được cái máy tính để bàn và máy in để làm việc thì lấy đâu ra kinh phí để hoạt động. Tem truy xuất nguồn gốc của huyện phát cho các hộ thành viên chẳng ai sử dụng, mà cũng không cần sử dụng.
“Nếu đã làm thì phải làm cho ra tấm ra món, chứ cứ tổ chức nuôi, mà không tính nguồn cung gà giống, kết nối đầu ra, phải chế biến như thế nào, sao gọi là chuỗi giá trị, chăn nuôi sao bền vững được”. Anh Lâm, Giám đốc một HTX nói trong ấm ức.
Một hy vọng khác cho thương hiệu “gà đồi Tuyên Hoá”, khi Trung tâm giống vật nuôi tỉnh hỗ trợ 2 ngàn gà giống kiến cho bà con ở Tuyên Hoá. Chị Đinh Thị Khẩn (xã Sơn Hoá), được hỗ trợ 200 gà giống, nuôi thành gà đẻ trứng. Chị Khẩn nói trong niềm vui: “Gia đình tôi giữ lại đàn gà này để lấy giống gà kiến cho vụ sau”.
Nguồn: nongnghiep.vn