Sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nước ngầm
Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động, tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn tỉnh là 478km, phục vụ nước tưới tiêu hàng năm khoảng 60 ngàn ha. Kinh phí cấp bù diện tích sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm khoảng 37 tỉ đồng.
Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có một số hồ chứa lớn như hồ Đa Tôn có dung tích khoảng trên 19 triệu m3, hồ Cầu Mới khoảng 21 triệu khối, hồ Sông Mây gần 14 triệu khối. Hiện cả 3 hồ chứa này đều đang phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho người dân địa phương”.
Tuy nhiên, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 281 ngàn ha, hệ thống thủy lợi của tỉnh mới chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nước tưới so với thực tế sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.
Do đó hiện nay việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước mưa và nước ngầm. Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là thiếu nước sản xuất trong mùa khô luôn là bài toán khó cho người nông dân, nhất là ở những địa phương vùng núi, vùng khô hạn nặng như huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ…
Cẩm Mỹ và Thống Nhất là những địa phương không có công trình thủy lợi nên mọi hoạt động sản xuất của người dân đều dựa vào các nguồn nước từ giếng khoan.
Theo các hộ dân, trước đây nhà vườn chỉ cần khoan xuống đất vài chục mét là có nước thì nay có nơi phải khoan sâu đến 60m, thậm chí cả 100m mà không phải giếng nào cũng đủ nước dùng. Ông Trần Văn Yên, nông dân ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ chia sẻ: “Mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nhất là khi mùa khô đến, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước tưới, thậm chí phải thức suốt đêm để tranh thủ bơm nước tưới cho vườn cây”.
Ông Yên đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa hệ thống thủy lợi, nhất là khi rủi ro về thời tiết, môi trường do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, bà con cũng mong được hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phước, HTX Ca cao Thống Nhất chia sẻ, do không đủ nước tưới trong mùa khô nên nhiều diện tích cây trồng của gia đình ông cũng như trong HTX bị giảm năng suất rõ rệt, chi phí chăm sóc cho mùa vụ cũng tốn kém hơn. Dù việc khoan giếng bị cấm nhưng vì các giếng khoan đã có không đủ nước tưới cho nên nhiều nông dân ở địa phương vẫn liều khoan giếng mới để “cứu” vườn cây và tìm nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt khi vào mùa khô hạn.
Tăng cường mảng xanh ven các hồ thủy lợi
Đồng Nai có nguồn nước mạch khá dồi dào nên các địa phương cần tăng cường bảo vệ nguồn nước để phục vụ người dân sản xuất. Theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai, ngoài đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi bị xuống cấp thì các đơn vị quản lý vận hành cần phải làm sạch các hồ chứa nước để vừa phục vụ tưới tiêu vừa phục vụ sinh hoạt, làm nguồn nước sạch,…
Để quản lý, sử dụng các hồ chứa nước hiệu quả, thời gian qua Đồng Nai đã giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý 25 công trình thủy lợi. Công ty này cũng đã tiếp quản các hồ chứa nước, khai thác hiệu quả mặt nước và lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi các công trình thủy lợi để đảm bảo an toàn khai thác.
Thông qua hệ thống quan trắc, việc vận hành sử dụng các hồ chứa nước được hiệu quả hơn, ít chi phí đi lại, kiểm tra và dễ phát hiện các sự cố xảy ra ở hồ chứa nước. Do đó, khi khảo sát thực tế các hồ thủy lợi, hồ Cầu Mới thuộc tuyến 5 thuộc huyện Long Thành và hồ Sông Mây ở huyện Trảng Bom…, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề nghị các đơn vị quản lý hồ cần tìm phương án dọn sạch cỏ dại, trồng rừng, cây lâu năm có giá trị ven các hồ thủy lợi để tạo mảng xanh, ổn định lâu dài hệ sinh thái của địa phương.
“Tất cả các hồ nước của tỉnh phải là điểm sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn, có hành lang, có cây xanh bảo vệ. Cần phải dần thay nước ngầm bằng nước ao, nước hồ. Để phát triển đa mục tiêu, hồ nằm trên địa phương nào thì địa phương đó phải cố gắng bảo vệ, giữ vệ sinh an toàn sạch sẽ. Hồ ở đâu phải phục vụ được nhu cầu của người dân ở nơi đó, toàn dân cùng chung sức bảo vệ nguồn nước vì đây là tài sản chung”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh phải xây dựng chiến lược phát triển nguồn nước với mục tiêu có thể tăng lên cung cấp nửa triệu m3 nước/ngày đêm, vì nhu cầu nước sắp tới sẽ tăng, nhất là khi sân bay đi vào hoạt động, các đô thị vùng ven sân bay phát triển, khu dân cư tăng lên sẽ cần lượng nước sạch rất lớn. Hồ thủy lợi không chỉ cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt mà còn là điểm đến du lịch, không gian sinh thái.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách, quy định về khu vực phát triển cận, ven hồ, xây dựng chiến lược cho nguồn nước trên địa bàn toàn tỉnh. Vì khi nguồn nước ngầm sụt giảm sẽ nguy hiểm cho sự phát triển bền vững.
“Trong giai đoạn tới, Đồng Nai cần nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, hạn chế lạm dụng nguồn nước ngầm trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh cũng bố trí kinh phí ở cấp tỉnh, cấp huyện trong đầu tư các công trình thủy lợi; tạo cơ sở để các địa phương chủ động về nguồn kinh phí trong đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì, quản lý…”, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn