Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính – trụ sở Bộ NN-PTNT tại Hà Nội – đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.
Năm 2023, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở những mặt, lĩnh vực như: Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây , đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%).
Tất cảTổng thuậtMới nhấtCũ nhất
14 giờ 10 phút
6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp tạo đà ‘tăng tốc’ cho năm 2024
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.
Năm qua, ngành nông nghiệp cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.
Ngoài ra, ngành cũng có một số bước tiến trong xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất, thực hiện chuyển đổi số, kịp thời làm việc với các hội, hiệp hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận đối mặt với một số khó khăn, hạn chế như 3 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định; còn điểm nóng về phá rừng, chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 – 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 – 55 tỷ USD…
Để đạt được những mục tiêu cho năm tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
Theo đó, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Hai là, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Năm là, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Sáu là, đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
14 giờ 00 phút
Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn
Mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng hành của các cơ quan truyền thông tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được trong năm 2023 và đưa ra những giải pháp khắc phục những hạn chế đồng thời triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, hôm nay, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hội nghị tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại điểm cầu trụ sở Bộ NN-PTNT có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Bên cạnh đó, còn có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của Bí thư/Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND các tỉnh; cùng các đồng chí Lãnh đạo Sở NN-PTNT; Viện nghiên cứu; hiệp hội ngành nghề; doanh nghiệp; hợp tác xã tiêu biểu tại các địa phương.
Nguồn: nongnghiep.vn