Ngôi làng cổ Kon K’tu, ở xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, vùng đất tôi từng đến nhiều lần, là một nơi như thế. Ngôi làng cổ hơn 300 năm tuổi này còn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số Bahnar, soi bóng dưới dòng sông chảy ngược Đắk Bla huyền thoại.
Bình yên Kon K’tu
Tôi tình cờ biết đến làng cổ Kon K’tu lần đầu cách đây vài năm, sau đó không lâu lại có dịp đến lần thứ 2, nhưng cả 2 lần đều chỉ lướt qua, dù thế tôi vẫn thấy ngôi làng có nhiều điểm rất đặc biệt so với những làng đồng bào khác tôi từng đến. Đó là ngôi làng có nhà nghỉ, homestay, quán cà phê, quán ăn, và đặc biệt nhất là cách người dân ở đây gặp khách lạ. Trong khi ở các làng đồng bào khác, phụ nữ và trẻ em thường né tránh khi gặp người lạ, thì ở Kon K’tu, họ hồ hởi, cười chào khách rất thân thiện.
Lần thứ 3 đến Kon K’tu cũng là tình cờ, nhưng tôi quyết định ở lâu hơn để khám phá. Vì thế, sau khi ghé tìm chỗ nghỉ ở thành phố Kon Tum một đêm, sáng hôm sau, tôi tìm gặp chủ nhà nghỉ hỏi về làng Kon K’tu.
Ông chủ khách sạn quê Quảng Nam, giọng khá nặng, nói với tôi: “Chú đi du lịch tham quan làng cổ sao không vào thuê nhà nghỉ trong nớ luôn cho tiện? Từ đây vào làng cổ đúng 4 cây số. Làng cổ cũng hay lắm, nhưng bé tý, đi một buổi là hết. Chú muốn gọi taxi tôi gọi cho, nhưng đây không phải taxi truyền thống, mà là người chuyên chở khách du lịch đi tham quan, có thể làm hướng dẫn viên cho chú luôn mà giá bình dân thôi”. Nghe ông chủ khách sạn nói xong, tôi gật đầu. Vài phút sau, một chiếc xe bán tải còn khá mới dừng trước cửa khách sạn.
“Tôi quen anh Khánh, chủ khách sạn. Biết tôi có chút hiểu biết về vùng đất này nên thỉnh thoảng có khách anh ấy gọi, nếu rảnh tôi chạy đưa khách đi, kiếm thêm chút thôi chứ không phải chở khách chuyên nghiệp”, tôi vừa yên vị trên xe đã được anh tài xế mau mắn giới thiệu tên Tùng kèm câu “trích ngang”.
Chiếc xe lượn vài vòng trong phố, sau đó rẽ trái vào một con đường nhựa rộng, thoáng và ít xe chạy. Thêm vài phút, tôi đã thấy một cổng chào, bên trên ghi dòng chữ “Thôn Kon Kơ Tu – xã Đắk Rơ Wa”, bên dưới vệ đường có một hòn đá to, khắc chữ đỏ “làng du lịch cộng đồng Kon K’tu”.
Xe chạy thêm vài trăm mét rồi dừng lại trước sân nhà rông có nóc cao vút, dưới khoảng sân rộng, vài đứa trẻ đang nô đùa. Anh Tùng cho biết, đây là ngôi nhà rông lớn thứ 2 ở Tây Nguyên, là nhà chung của cả làng Kon K’tu và là ngôi nhà quan trọng nhất đối với dân làng. Vì thế, từ thuở khai sinh làng, khi già làng chọn đất lập làng, nhà rông là ngôi nhà dựng lên đầu tiên, ở vị trí đẹp nhất.
Sau khi nhà rông dựng xong, dân làng mới dựng nhà ở xung quanh. Và dù ai cũng rất nghèo, nhà nhỏ, nhưng nhà rông không chỉ lớn nhất, mà còn là công sức của cả làng. “Ngày bình thường, nhà rông vắng vẻ, anh có thể ngủ lại nhà rông cũng được, nhưng vào các dịp lễ hội, cúng tế, hay các sự kiện trọng đại của làng, toàn bộ dân làng sẽ tập trung về đây múa hát, ăn uống thâu đêm”, anh Tùng nói.
Hiện nay, dân số của làng Kon K’tu gần 800 người, với hơn 140 hộ, trong đó, đồng bào Bahnar chiếm đa số với 138 hộ, hơn 700 khẩu. Đây là ngôi làng cổ nhất Tây Nguyên, mọi thứ gần như còn nguyên vẹn với những ngôi nhà đan xen, không có hàng rào, các nhà chỉ ngăn cách bằng những con đường đất nhỏ. Mặc dù trong làng đã có những ngôi nhà xây bằng gạch, lợp ngói hoặc tôn, nhưng vẫn còn khá nhiều nhà sàn cổ theo kiến trúc của người Bahnar với hình chữ nhật, chiều dài khoảng 10m. Mỗi căn nhà có 12 cây cột bằng gỗ, chia thành 2 hàng, mỗi bên 6 cây, tạo sự vững chắc, cân bằng.
“Trong văn hóa truyền thống người Bahnar, các gia đình thường chung sống cùng nhau 3-4 thế hệ, chỉ cần nhà không quá chật thì họ sẽ sống chung, và gần như trong nhà không xảy ra mâu thuẫn. Mọi thứ trong nhà đều tuân theo người lớn tuổi nhất. Mọi thứ, từ phân công công việc đến sinh hoạt, ăn ngủ đều theo nếp, mọi người cứ thế làm”, anh Tùng kể.
Theo lời các cụ kể lại thì làng này có hơn 300 năm tuổi rồi, và từng trải qua nhiều sóng gió. Ban đầu, làng đông vui lắm, nhưng rồi năm ấy, làng bỗng gặp hạn hán, thêm dịch đậu mùa càn quét khiến lúa không có nước nên không trổ bông, rất nhiều người chết vì dịch và đói. Những người sống thì lo sợ, trốn biệt vào rừng sâu, làng trở nên hoang vắng, tiêu điều.
Sau đó, có một đại sư từ vùng khác đi ngang, nhìn qua tình hình của làng, ông nhận định làng đang bị Yang phạt vì ai đó mắc tội, nên lập đàn cúng 7 ngày 7 đêm thì bất ngờ trời đổ mưa lớn. Sau đó, dịch bệnh cũng dần hết. Những người trốn vào rừng dần quay trở lại làng cũ.
Đúng như lời ông chủ khách sạn nói, tôi đi chừng 3 tiếng đã gần hết các con ngõ ở làng Kon K’tu. Nhưng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, bởi còn nhiều nơi, nhiều thứ tôi chưa biết.
“Hiện nay, làng Kon K’tu được công nhận làng du lịch cộng đồng rồi, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng làng Kon J’ri thành làng du lịch cộng đồng thứ 2. Đây đều là những làng cổ, lâu đời của người Bahnar, vẫn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống mà khách du lịch rất thích thú, vì thế có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch”, ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, cho biết.
Chuyện dòng Đăk Bla chảy ngược
Một điểm thú vị ở Kon K’tu nhất định phải biết, đó là dòng sông Đắk Bla, con sông mà ngôi làng cổ này gắn bó mấy trăm năm qua. Đặc biệt, đây là một trong 2 con sông ở Tây Nguyên có dòng chảy ngược hướng so với đa số các con sông khác.
Do địa hình Việt Nam chủ yếu theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, nên đa số các con sông cũng chảy theo hướng này, một số con sông khác chảy theo hướng vòng cung. Nhưng ở Tây Nguyên, có 2 con sông chảy theo hướng Đông – Tây, tức ngược lại với đa số các con sông khác. Đó là sông Sêrêpôk, bắt nguồn từ phía Tây dãy Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk, và sông Đăk Bla, bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, qua tỉnh Gia Lai trước khi hợp dòng với sông Sê San.
Mặc dù con sông này nổi tiếng “hung dữ” với nhiều đoạn thác ghềnh ngày đêm gầm gào, nhưng đoạn chảy qua thành phố Kon Tum lại rất hiền hòa. Không chỉ thế, con sông này còn cho con người một bãi cát tuyệt đẹp, nằm ngay bên làng Kon K’tu.
Theo chân anh Tùng, chúng tôi tìm đến nhà già làng A Xép, một trong những cây đại thụ ở làng Kon K’tu, nhưng không gặp. Con gái ông, chị Y Tho, cho biết, cha đi dự lễ mừng lúa mới ở làng bên, khoảng 2 ngày mới về. Đang chưa biết tính sao thì tôi chợt nhớ đến ông A Rói, một trong những trí thức được học hành bài bản, từng làm cán bộ xã, và hiểu biết sâu về văn hóa Bahnar ở xã Đắk Rơ Wa, nên quả quyết tìm đến nhà ông, may mắn ông có nhà.
“Thực ra, dòng sông này có hướng chảy khác thường và có màu đỏ là do địa lý và phù sa từ đất bazan mà thôi. Sông Đắk Bla khởi nguồn từ Đông Bắc dãy Trường Sơn, là hợp lưu của ba con sông Đăk A’koi, Đăk S’nghé và Đăk Pne. Ba con sông này bắt nguồn từ phía bắc Huyện Đăk Hà và Kon P’lông, chảy theo hướng Đông Nam như bao con sông khác tại Việt Nam.
Trên đường đi, sông Đắk Bla tiếp nhận một loạt các con suối như Đăk Nghé, Đăk Sut, Đăk Kôi, Đăk T’re. Nhưng khi đến địa bàn huyện Kon Rẫy, dòng sông bất ngờ bẻ hướng Bắc – Nam rồi chảy vào thung lũng, uốn khúc bao quanh, ôm trọn ba mặt phía Đông, Nam và Tây thành phố Kon Tum. Khi chảy về đến thành phố Kon Tum, một lần nữa con sông lại đột ngột đổi hướng Đông – Tây.
Bắt đầu từ đây, dòng sông cứ thế ngược về Tây trước khi gặp sông Krông Pô Cô ở huyện Sa Thầy, trước khi nhập vào sông Sê San, chảy qua đập thủy điện Yali rồi sang lãnh thổ Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông đổ ra biển Đông. Còn màu đỏ của sông Đăk Bla là do phù sa tạo nên. Đất Tây Nguyên vốn là đất đỏ bazan nên khi tạo nên phù sa cũng có màu đỏ đậm đà hơn”, ông A Rói nói.
“Vậy còn truyền thuyết về dòng sông chảy ngược thì sao?”, tôi hỏi. Ông A Rí trầm ngâm giây lát rồi nói: “Với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hay bất cứ vùng nào trên đất nước mình, mỗi sự kiện thiên nhiên huyền bí, khó giải thích, đều gắn với một câu chuyện, một truyền thuyết, vì họ không thể lý giải bằng sự hiểu biết. Nhưng đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi truyền thuyết ấy, đều chứa đựng tính nhân văn său sắc, nhằm răn dạy đạo lý, tình người cho các thế hệ. Truyền thuyết về dòng sông chảy ngược này cũng không ngoại lệ”.
Theo lời kể của ông A Rói về truyền thuyết dòng sông Đăk Bla, thuở mới về lập làng bên bờ sông, không chỉ có người Bahnar, mà còn có người J’rai. Trong khi người J’rai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu, thì người Bahnar lập làng bên tả ngạn, phía hạ lưu. 2 tộc người chung sống với nhau, dùng chung dòng nước sông Đắk Bla trong vắt, hiền hòa.
Nhưng rồi một ngày, mâu thuẫn giữa 2 bộ tộc xảy ra do những kẻ thứ 3 từ nơi khác đến gây chia rẽ nhằm chiếm đoạt vùng đất yên bình này. Kể từ đó, cuộc chiến xảy ra liên miên, máu của 2 bộ tộc liên tục đổ xuống dòng sông. Từ chỗ chung sống hòa bình, 2 bộ tộc trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Giữa lúc đó, bất ngờ nảy nở tình yêu giữa chàng trai J’rai và cô gái Bahnar. Biết rõ hận thù giữa 2 bộ tộc, cuộc tình của họ không bao giờ được chấp nhận, nhưng họ vẫn bất chấp, cùng nhau chìm đắm trong tình yêu và quyết định sẽ lấy cái chết để hóa giải hận thù giữa 2 bộ tộc.
Vào một đêm trăng, ở 2 đầu con sông, đôi trai gái cùng nhau cắt tay rồi gieo mình xuống dòng sông Đăk Bla đang lấp lánh ánh trăng vàng. Sau đó, máu của chàng trai trôi xuôi về Đông, dòng máu cô gái lại chảy ngược về Tây. Đến đoạn giữa sông, 2 dòng máu gặp và hòa quyện vào nhau rồi tiếp tục trôi ngược về phía Tây, phía bộ tộc Bahnar của cô gái (chi tiết nói về chế độ mẫu hệ của đồng bào Bahnar -PV).
Sáng hôm sau, khi người của hai làng ra sông lấy nước thì vô cùng sửng sốt khi thấy nước sông chuyển màu hồng đục. Họ chợt bừng tỉnh, hối hận, bởi sự hận thù của họ không chỉ khiến đôi trai gái phải quyên sinh dưới dòng nước, gây đau thương cho tất cả mọi người, mà còn khiến cái nghèo đói đeo bám không rời. Vì thế, họ đã ngồi lại hòa giải và quyết định cùng nhau xóa bỏ mọi hận thù.
Cũng từ đêm trăng ấy, dòng sông không còn trong xanh như xưa, và cứ chảy ngược về phía Tây, nhập vào sông Krông Pô Kô thành sông Sê San, chảy sang đất bạn Campuchia, hòa với sông Mê Kông hùng vĩ, quay về đất mẹ để tuôn ra biển.
“Của cha ông” còn một chút này
Ngày nay, Kon K’tu thực sự là “của hiếm” cha ông để lại cho những thế hệ sau, giúp họ biết trân quý nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình, và mang lại những giá trị kinh tế không nhỏ bằng việc phát triển du lịch cộng đồng. Kon K’tu là điểm du lịch đầu tiên của tỉnh Kon Tum được công nhận sản phẩm OCOP du lịch 3 sao.
Ông A Rói cho biết, những ngày sau giải phóng, làng nghèo, hoang sơ lắm. Từ khoảng gần chục năm trở lại đây, làng Kon K’tu mới bắt đầu đổi thay sau khi được nhiều người biết đến. Nhưng, những yếu tố quan trọng giúp Kon K’tu thu hút khách du lịch là giá trị của một ngôi làng cổ với những công trình, kiến trúc lâu đời nằm bên bờ con sông huyền thoại với bãi cát đẹp. Bên cạnh đó, chủ nhân của ngôi làng, những người Bahnar chân chất thật thà, thân thiện, cũng góp phần tạo ấn tượng tốt để những ai dù đến 1 lần vẫn lưu luyến.
“Đặc sản du lịch của làng là tham quan kiến trúc làng cổ của người Bahnar, đó là nhà rông, nhà sàn cổ, nhà thờ. Rồi trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ, nấu rượu cần, bơi thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla, giao lưu văn hóa cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ…
Trong làng, mỗi nhà đều nuôi heo, nuôi gà, ủ rượu cần, chuẩn bị ống lam để làm cơm khi có du khách ghé thăm và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Bahnar như gà nướng, cơm lam, thịt xiên, cá kho măng, rượu cần… Bất cứ lúc nào, chỉ cần khách có nhu cầu, sẽ luôn có một đội cồng chiêng sẵn sàng phục vụ với tay nghề tấu chiêng của những nghệ nhân nổi tiếng”, ông A Rói nói.
Theo chân anh Tùng tài xế, tôi đến nhà ông A Hung, nghệ nhân tạc tượng gỗ và vợ ông, bà Y Mưk, nghệ nhân dệt thổ cẩm. Gia đình bà Y Mưk đã tham gia vào tổ hợp tác du lịch cộng đồng, cho biết, mấy năm trước, người dân trong làng làm du lịch tự phát, mạnh ai nấy làm, giá cả mỗi người không giống nhau.
“Như vậy là không tốt, khách sẽ chán ngay thôi. May là chính quyền giúp đỡ nhiều, từ tập huấn cho bà con, phân tích cho bà con điều hay lẽ phải, sau đó thành lập tổ hợp tác du lịch cộng đồng, thấy tốt nên ai cũng nghe”, bà chia sẻ.
“Vậy tham gia tổ hợp tác thu nhập có nhiều hơn không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Tổ hợp tác thống nhất mỗi khách mình lấy 150 ngàn thôi. Họ được ăn, xem múa hát, diễn tấu cồng chiêng. Nhiều thứ lắm. Nên họ rất thích”, bà trả lời.
Nghệ nhân A Hung, chồng bà Y Mưk nói thêm: “Nếu đoàn khách từ 30 người thì lấy 150 ngàn 1 người, đoàn ít người hơn phải trả nhiều tiền hơn. Ở homestay mỗi người chỉ có 120 ngàn đồng 1 đêm thôi. Tổ hợp tác mỗi tháng thu được hơn 30 triệu, chia đều cho các nhóm ẩm thực; đan lát, dệt thổ cẩm; cồng chiêng, múa Xoang; hướng dẫn viên; homestay… Chưa có nhiều đâu, nhưng cũng đỡ hơn trước nhiều rồi”.
Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, những ngày đầu làm dịch vụ nhà nghỉ, homestay, do chưa có kinh nghiệm nên các gia đình gặp không ít khó khăn về vốn và kỹ năng phục vụ. Nhận ra những thiếu sót trên, UBND xã đã tổ chức đưa 8 hộ gia đình mở dịch vụ homestay đi trải nghiệm thực tế và tập huấn mô hình du lịch tại tỉnh khác.
Xã còn liên kết với Trường cao đẳng Cộng đồng Kon Tum để đào tạo, cấp chứng chỉ dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên trong làng. Cũng từ đây, cuộc sống dân làng Kon K’tu bước sang một trang mới. Từ những người nông dân chân chất, họ dần biết cách giao tiếp, nhiều người giao tiếp được bằng tiếng Anh, dù vốn từ không nhiều. Điều ông Hậu nói được tôi chứng thực sau đó khi ra bờ sông, mấy đứa trẻ đang tắm bên dưới thấy khách lạ, chúng nhao nhao chào bằng tiếng Anh.
“Kon K’tu bây giờ khá lắm, không làm du lịch tự phát mà có tổ hợp tác du lịch cộng đồng do anh A Kâm làm tổ trưởng đấy. Hơn 1 nửa bà con trong làng tham gia làm du lịch rồi. Nhiều hộ đã được vay vốn xây dựng homestay, lên kế hoạch tổ chức các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm hấp dẫn như diễn tấu cồng chiêng, múa Xoang, dẫn khách đến trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, làm các loại nhạc cụ …”, ông Y Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa thông tin.
Nguồn: nongnghiep.vn