Hệ canh tác tôm – lúa thu nhập cao nhất hàng chục năm gần đây
Ngay trước thềm năm mới, nông dân các tỉnh ven biển ĐBSCL sản xuất luân canh tôm – lúa đã tiến hành thu hoạch vụ “tôm ôm gốc lúa” và vụ lúa trên nền đất nuôi tôm với niềm vui trúng mùa. Năm nay giá tôm thấp nhưng giá lúa thì mĩ mãn, nhất là lúa được trồng theo quy trình hữu cơ giá cao kỷ lục lên tới gần 10.000 đồng/kg, nông dân lãi lớn, có điều kiện chuẩn bị đón năm mới sung túc.
Một buổi sáng cuối tháng 12, cái lạnh từ gió đông vẫn vù vù thổi nhưng tiếng máy chạy sục bùn, tiếng người gọi í ới, tiếng “tách tách” từ những con tôm búng mạnh vào nước khi bị bắt bỏ vào thùng… như đã làm nóng khu ruộng rộng hàng chục ha tại ấp Thành Phụng Tây (xã Đông Hưng, huyện An Minh, Kiên Giang).
Mở đồng thu hoạch tôm càng xanh “ôm gốc lúa” đầu tiên trong ấp là hộ nông dân Mai Thúy Hằng. Với diện tích hơn 1ha, gia đình bà Hằng thu hoạch được gần 500kg tôm thương phẩm, trọng lượng trung bình khoảng 15 con/kg, tôm đẹp sáng bóng, khiến nhiều người thán phục.
Trúng vụ tôm nhưng niềm vui của người dân chưa mấy trọn vẹn do giá tôm năm nay khá thấp. Bà Hằng bảo: “Tôm càng xanh thu hoạch sống thương lái đến tận nhà thu mua giá chưa tới 100.000 đồng/kg, thấp hơn so với mọi năm khoảng 25.000 đồng/kg. Vì vậy, vụ tôm này gia đình tôi chỉ lãi được khoảng 30 triệu đồng. Nếu giá tôm tốt hơn, lợi nhuận phải trên 40 triệu đồng. Cũng may, năm nay còn trúng giá cua và lúa thì vừa trúng mùa, vừa trúng giá nên tổng lợi nhuận trên diện tích hơn 1ha cũng được gần 100 triệu đồng”.
Xét trên giá trị tổng thể, hệ thống canh tác tôm – lúa năm nay nông dân vẫn đạt lợi nhuận rất khá, thậm chí cao nhất trong hàng chục năm thực hiện chuyển đổi từ ruộng chuyên lúa. Thời gian qua, người dân sản xuất theo mô hình này đã tổ chức lại sản xuất và áp dụng kỹ thuật nuôi cải tiến, đa dạng hóa nhiều đối tượng thủy sản, gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và cua biển để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.
Nhờ đó, một năm có thể thả nuôi được nhiều lứa và nuôi xen canh nhiều đối tượng cùng lúc. Sản xuất tôm – lúa thì lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ thường kéo dài khoảng 6 – 7 tháng (hết mùa khô). Khi chuyển sang mùa mưa, nông dân sẽ rửa mặn và luân canh lại vụ lúa, đồng thời thả nuôi thêm tôm càng xanh trong môi trường nước ngọt. Đối với vụ tôm nước lợ, nông dân có thể nuôi xen canh, nuôi ghép cùng lúc tôm sú, thẻ chân trắng và cua biển.
Năm nay, giá tôm giảm mạnh do xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó giá tôm sú giảm từ 60.000 – 80.000 đồng/kg tùy vào cỡ tôm; tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh giảm khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg. Mãi đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 giá tôm mới tăng bật trở lại, nhưng lúc này phần lớn nông dân đã hết tôm để bán.
Trái với giá tôm, giá cua biển nuôi lại tăng mạnh và duy trì ở mức cao. Cua gạch son dịp lễ, tết có thời điểm lên đến gần 1 triệu đồng/kg, cua thịt (cua y), cua yếm vuông 400.000 – 500.000 đồng/kg. Chính nhờ con cua biển bán được giá tốt đã giúp nông dân giữ vững được nguồn thu nhập.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, toàn huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 47.000ha, trong đó nuôi theo mô hình tôm – lúa 39.000ha. Huyện đang hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân trong vùng tôm – lúa mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa nhiều đối tượng nuôi. Phấn đấu mở rộng diện tích nuôi cải tiến đạt từ 20.000ha trở lên với các đối tượng tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng và cua biển, đưa năng suất bình quân các loại tôm nuôi lên trên 700kg/ha/năm, năng suất cua biển trên 250kg/ha/năm. Qua đó, vừa để giải quyết khó khăn, hạn chế của loại hình nuôi tôm – lúa, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Giữ vai trò trung tâm của cây lúa trong hệ canh tác kết hợp
Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn thứ 2 cả nước. Năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt trên 136.000ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 121.000 tấn. Riêng diện tích nuôi tôm – lúa của Kiên Giang năm 2023 lớn nhất nước với trên 106.000ha, trong đó diện tích thả nuôi xen canh cua biển khoảng 85.600ha. Nuôi tôm – lúa tại Kiên Giang chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Trong đó, huyện An Minh có diện tích lớn nhất với trên 39.000ha.
Trong hệ thống canh tác tôm – lúa, cây lúa đóng vai trò rất quan trọng về mặt môi trường, xử lý chất hữu cơ tồn đọng, tạo hệ sinh thái giúp phát triển sản xuất bền vững. Vụ mùa 2023 – 2024, diện tích sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm toàn tỉnh Kiên Giang đạt hơn 71.500ha. Năm nay, vụ lúa trúng mùa, giá lúa cao kỷ lục, nông dân thu lãi lớn, có điều kiện tái đầu tư sản xuất và chuẩn bị đón cái tết vui vẻ.
Vừa thu hoạch xong 150ha lúa trên nền đất nuôi tôm sản xuất theo hướng hữu trúng mùa, lãi hàng chục triệu đồng/ha, bà con xã viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Phát (xã Tây Yên A, huyện An Biên) rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Đình Bảo, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, để phát triển sản xuất bền vững, mấy năm nay, xã viên đã chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ (ít nhất sau 3 năm mới đạt chuẩn hữu cơ) và ký hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An trồng các giống lúa ST24, ST25 theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Bảo, chuyển đổi sản xuất hữu cơ đã mang lại kết qua rất tích cực, giá bán lúa tăng lên từng năm cùng với chất lượng lúa được nâng lên. Riêng vụ lúa năm nay vừa thu hoạch xong, lúa ST25 được doanh nghiệp mua theo hợp đồng với giá 10.000 đồng/kg – mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Ông Bảo nhẩm tính: “Năng suất lúa trung bình vụ này toàn hợp tác xã đạt 6 tấn/ha, tổng thu khoảng 60 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lãi ròng hơn 40 triệu đồng/ha. Đây là mức lãi rất lý tưởng đối với vụ lúa trên nền đất nuôi tôm nhưng còn một cái lợi nữa còn lớn hơn đó là môi trường sinh thái cho vụ tôm tiếp theo nhờ sản xuất hữu cơ mang lại”.
TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, mô hình canh tác lúa hữu cơ, tôm sinh thái là hướng đi bền vững đối với sản xuất luân canh tôm – lúa ở các huyện vùng U Minh Thượng. Hàng năm, Trung tâm sẽ xây dựng các mô hình canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm với diện tích khảng 500ha để bà con nông dân thấy được hiệu quả cả về kinh tế và môi trường.
Ngoài ra, còn hỗ trợ nông dân kỹ thuật cải tạo đất nhiễm mặn do nuôi tôm, đảm bảo cấy lại được vụ lúa hiệu quả. Cán bộ khuyến nông cộng đồng sẽ tập huấn kỹ thuật, cùng bà con nông dân chuyển đổi sản xuất theo quy trình hữu cơ để nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, theo quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố, Kiên Giang sẽ là tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, sẽ đầu tư Trung tâm Logistics tôm – lúa hữu cơ và Trung tâm lúa giống (tại huyện An Minh), Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang (tại huyện An Biên và Châu Thành) để phục vụ nhu cầu phát triển.
Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với điều kiện tự nhiên, sinh thái tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và hải đảo, gồm vùng sản xuất chất lượng cao 2 – 3 vụ/năm, vùng sản xuất lúa – màu, vùng sản xuất tôm – lúa, sản xuất rau công nghệ cao và vùng nuôi trồng thủy sản ven biển.
Tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình như nuôi tôm – lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Phát triển bền vững mô hình sản xuất tôm – lúa toàn tỉnh với diện tích 110.000ha.
Nguồn: nongnghiep.vn