Chuẩn hóa ngành hàng
Có nhiều quan điểm khác nhau về tăng trưởng xanh. Ngân hàng Thế giới coi tăng trưởng xanh là sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tác động môi trường, đồng thời linh hoạt trong khả năng thích ứng với thiên tai, quản lý môi trường. Còn Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) thì cho rằng, tăng trưởng xanh bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp tài nguyên và dịch vụ môi trường cho sự thịnh vượng chung.
Dù còn nhiều bàn luận về khái niệm này, bản chất của tăng trưởng xanh vẫn là quan hệ hai chiều giữa tăng trưởng kinh tế và gìn giữ môi trường. Một cách tổng quát, tăng trưởng xanh giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững, đáp ứng được nhu cầu hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giúp các quốc gia đạt được lợi ích về kinh tế – xã hội trên nhiều khía cạnh.
Nông nghiệp cũng có một khái niệm gần tương tự. Ở đó, nông nghiệp xanh đòi hỏi sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, nền nông nghiệp xanh sẽ phát triển đa dạng các công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, ổn định kinh tế, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.
Đó cũng là lý do mà trong năm 2023, thế giới nhắc nhiều đến tăng trưởng xanh, cũng như liên tục đưa ra những điều chỉnh để thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh, bền vững. Đáng chú ý bậc nhất là Quy định không phá rừng của châu Âu (EUDR) – một đạo luật cấm đưa hoặc xuất khẩu các sản phẩm vào thị trường EU mà không tuân thủ những yêu cầu về tính hợp pháp và tính bền vững. Ngoài ra, còn các nội dung liên quan trong Chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, Thỏa thuận xanh châu Âu hay Cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM)…
Hàng tháng, trên thị trường nông sản, Việt Nam, với đầu mối là Văn phòng SPS, nhận khoảng 100 các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS, gồm các dự thảo về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm.
“Đây là điều bình thường với bất cứ quốc gia nào tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bởi chỉ có như vậy mới thúc đẩy quá trình chuẩn hóa ngành hàng, tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, từ đó tổ chức lại sản xuất để góp phần giúp sản xuất xanh hơn, sạch hơn”, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ.
Qua thống kê từ Văn phòng SPS, các quốc gia, trong đó có những thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam, đã, đang và sẽ đưa ra những yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng lao động đúng độ tuổi… vào trong yêu cầu nhập khẩu. Tất cả đòi hỏi người dân, HTX, doanh nghiệp, vùng nguyên liệu phải cải tiến quy trình công nghệ.
Việc những thị trường khó tính như EU, từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các quốc gia xuất khẩu trên cả 3 góc độ, đó là làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, gia tăng trách nhiệm tài chính xanh liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất, tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.
Theo ông Nam, để đạt những chứng nhận xanh của EU là điều không phải đơn giản, nhưng không có nghĩa là không làm được. Một trong những động lực được lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam chỉ ra, đó là ngành hàng càng đáp ứng được với yêu cầu khắt khe thì càng có bước tăng trưởng đột phá, càng có sức bật giá trị gia tăng về sau. Lấy ví dụ về bao bì, các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam đang từng bước chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn.
Thỏa thuận Xanh được EU thông qua và triển khai từ đầu năm 2020. Đây là một nhóm các sáng kiến về chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng khu vực này trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050, đồng thời giảm thiểu sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
Chìa khóa mở cửa thị trường
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng gọi các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (các biện pháp SPS) là “cửa ngõ”, là “chìa khóa” để Việt Nam xuất khẩu nông sản. Nông sản, thực phẩm cũng là nhóm sản phẩm được EU tập trung nhiều chính sách xanh nhất như Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn”, với nhiều yêu cầu về giảm lượng thuốc BVTV, giảm mức dư lượng tối đa, giảm lượng thuốc kháng sinh…
Vấn đề được ông Ngô Xuân Nam quan tâm, là làm thế nào để trao “chìa khóa” được đến tay người nông dân, doanh nghiệp, HTX. “Họ là những người trực tiếp tra chìa vào ổ khóa. Nếu chìa khóa vẫn nằm ở các cơ quan quản lý, rất khó để chúng ta mở cửa được thị trường”, ông Nam nói.
Trên định hướng này, Văn phòng SPS Việt Nam cam kết đa dạng hóa hơn nữa cách thông tin, tuyên truyền tới đối tượng thụ hưởng, sao cho người dân, doanh nghiệp, HTX nhanh chóng cập nhật và dễ dàng nắm bắt được những thay đổi. Đó có thể là xây dựng các tiểu phẩm, tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về quy định SPS.
Ở chiều ngược lại, ông Nam cũng kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động, tích cực thay đổi tư duy, quan tâm hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật liên tục thay đổi của thị trường. Bởi, khi đã làm quen và thích ứng được với các tiêu chí về tăng trưởng xanh, cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đáp ứng được một phần (hoặc toàn bộ) các quy định SPS và có được chìa khóa để thâm nhập thị trường.
Dựa theo cơ sở này, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp phối hợp, liên kết chặt chẽ với người dân, vùng nguyên liệu; đồng thời định kỳ thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm lượng các bon phát thải, đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quy trình sản xuất.
Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh có thể yêu cầu đầu tư vốn ban đầu cao nhưng lại là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong dài hạn. Nhìn từ vĩ mô, việc doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào chuyển đổi xanh sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, đồng thời có một vị trí vững chắc hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến vệ sinh, an toàn thực phẩm. Với 3 đầu mối ở địa phương, là Sở NN-PTNT, Sở Y tế, Sở Công thương, ông Nam tin đối tượng có nhu cầu hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ đây, hoặc sử dụng điện thoại, truy cập Internet để tìm hiểu các vấn đề liên quan.
“Trách nhiệm phát triển bền vững là của mọi thành phần trong xã hội. Vì thế, vai trò của địa phương, của hiệp hội ngành hàng rất quan trọng. Bởi họ là người gần nhất đồng hành với bà con nông dân. Tìm được đúng chìa khóa và mở được đúng cánh cửa cần đến, có một phần công rất lớn từ nhóm đối tượng này”, ông Nam nhấn mạnh.
Tháng 9/2022, Bộ NN-PTNT phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp…
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng lên trên 30%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Nguồn: nongnghiep.vn