Sức bật từ những mô hình điểm
Huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) nắm giữ nhiều lợi thế để phát kinh tế, mở rộng giao thương trong nước và quốc tế. Nhưng cũng như nhiều miền quê khác, bước ra từ khói lửa chiến tranh, đời sống kinh tế của người dân Triệu Phong còn nhiều khó khăn. Đó cũng chính là trăn trở của các cấp ủy Đảng, chính quyền khi Triệu Phong đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Vì vậy, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân sẽ là đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới; tạo ra những miền quê đáng sống. Ở đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
“Xác định, phát triển kinh tế là đòn bẩy tạo ra một nông thôn mới bền vững, những năm qua, Triệu Phong đã phát huy thế mạnh, khắc phục những khó khăn để từng bước xây dựng các mô hình phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống người dân. Khi đời sống người dân được nâng lên và có sự đồng thuận, xây dựng nông thôn mới đem lại thành quả ngọt ngào” – ông Trần Thiện Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong chia sẻ.
Những vùng gò đồi đã được quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung. Vùng bãi ngang, ven biển với bao la cồn cát, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập, nằm ở cuối nguồn nước thủy lợi được chuyển đổi sang trồng những cây trồng cạn phục vụ thị trường và chăn nuôi.
Sau hơn 4 năm dày công chăm sóc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay, 3ha cam của gia đình ông Bùi Quang Huyên ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, đã được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Không chỉ phục vụ nhu cầu của xã hội, nông dân Triệu Phong còn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đối với người tiêu dùng.
Hay như mô hình nuôi bò thích ứng biến đổi khí hậu của ông Trần Hữu Vũ, Thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Từ đất lúa kém hiệu quả, ông Vũ đã chuyển sang trồng cỏ voi, ngô sinh khối để chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ ông Vũ có dự định mở rộng mô hình, nhiều hộ dân cũng đến tham quan, học hỏi để triển khai.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, có sức lan tỏa tại huyện Triệu Phong.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 17 mô hình trang trại liên kết chăn nuôi gia công, công nghệ cao. Việc liên kết chăn nuôi đã giúp người dân hạn chế rủi ro về dịch bệnh, đảm bảo giá cả và đầu ra ổn định. Đây là một trong những yếu tố giúp nông dân dịch chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn công nghệ cao, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng làm ăn mới, hiệu quả cao cho người dân trên địa bàn.
Mục tiêu trong tầm tay
Triệu Phong đặt mục tiêu đạt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023. Đây là điều có cơ sở bởi đến cuối tháng 11/2023, toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Ái Tử đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện cơ bản đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, UBND huyện Triệu Phong chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương và người dân xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với canh tác cây lúa, huyện phát triển mạnh diện tích cây ăn quả có múi, cây dược liệu, cao su và trồng rừng ở vùng gò đồi, cây màu như ném, lạc, mướp đắng ở vùng cát ven biển. Các mô hình trang trại quy mô lớn, vừa và nhỏ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được chú trọng đầu tư phát triển.
Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng là một lợi thế cần được khai thác tại huyện Triệu Phong. Năm 2022, giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp của huyện đạt gần 1,3 nghìn tỉ đồng, riêng ngư nghiệp chiếm trên 270 tỉ đồng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả năm đạt trên 800 ha; sản lượng khai thác thủy, hải sản đạt trên 3,5 nghìn tấn.
Đến nay, Triệu Phong đã rà soát lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Triệu Phong đến năm 2040, định hướng đến năm 2050. Đây là căn cứ để huy động hiệu quả nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển KT – XH…
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020- 2025, đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện Triệu Phong đạt trên 13%; cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 6,2 nghìn tỉ đồng; mức giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 1%…
Ông Trần Thiện Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu phong cho hay, kinh tế phát triển thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan, đơn vị trên địa bà đã tích cực triển khai các giải pháp thực hiện tiêu chí chưa đạt sớm đạt mức tối thiểu; duy trì, giữ vững tiêu chí đã đạt được và tiếp tục huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, bao tiêu sản phẩm nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất cho người dân; huy động nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý nước thải ở các cụm, điểm công nghiệp, trong đó có Cụm công nghiệp Đông Ái Tử.
Nguồn: nongnghiep.vn