Ngày 6/1, chúng tôi cùng tham gia chuyến tham quan thực tế tại nhà máy sơ chế, chế biến nông sản (Tiềng Giang) và trải nghiệm tại làng hoa Chợ Lách (Bến Tre). Sự kiện nằm trong khuôn khổ “Ngày hội mua sắm Tết trực tuyến TP.HCM – Ấn tượng Thủ Thiêm” kéo dài tới ngày 28/1, do UBND TP.HCM chỉ đạo; UBND TP Thủ Đức, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức; với sự đồng hành của TikTok Việt Nam
Điểm đến đầu tiên là tham quan nhà máy sơ chế trái cây sấy xuất khẩu của Công ty TNHH Vinaxo (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Tại đây, các TikToker được tìm hiểu về quy trình lựa chọn, sơ chế, đóng gói trái cây sấy, để từ đó, có thể hiểu và quảng bá cho nông sản miền Tây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.
Anh Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Vinaxo cho biết, ngoài tập trung cho thị trường xuất khẩu trái cây sấy, đơn vị bắt đầu tập trung đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận thêm với các khách hàng trong nước. “Nông sản miền Tây rất ngon, độc đáo, và để có thể gia tăng giá trị sản phẩm nông sản của bà con nông dân miền Tây, chúng tôi đã đầu tư nhà máy chế biến để tăng hiệu quả kinh tế cao hơn, thu mua được nhiều nông sản cho bà con hơn, từ đó tiếp cận được với nhiều khách hàng trong và ngoài nước”, anh Cường nói.
Điểm đến tiếp theo là tham quan nhà vườn Huyền Linh Garden (ấp Tân Thông 5, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Tại đây, chủ vườn đã giới thiệu quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc cây giống tại vườn, cũng như chia sẻ cách đóng gói để có thể vận chuyển cây giống đi xa, đến tay khách hàng trên khắp các tỉnh thành mà vẫn đảm bảo an toàn.
Chị Hồ Thị Mộng Thơ (chủ vườn Huyền Linh Gadern cho biết, từ khi dịch Covid-19 chị và gia đình bắt đầu chuyển hướng kinh doanh cây giống ăn trái các loại trên mạng xã hội Facebook, tuy nhiên chủ yếu là những khách hàng lớn với số lượng hàng lớn.
Khoảng 3 tháng gần đây, chị chuyển sang kinh doanh trên nền tảng TikTok Shop giúp tiếp cận được nhiều tệp khách hàng khác nhau khắp các tỉnh thành, chủ yếu phục vụ khách có nhu cầu cây cảnh ngắn ngày. Bình quân mỗi ngày, với 2 phiên livestream trên TikTok Shop, chị đã chốt được khoảng 100 – 200 đơn hàng với số lượng khoảng 300 – 400 cây.
Các nhà sáng tạo nội dung tiếp tục được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các vườn hoa kiểng Tết tại Chợ Lách, lắng nghe chia sẻ của bà con nông dân, từ đó lấy tư liệu để sản xuất các nội dung quảng bá hình ảnh của làng hoa lên trang cá nhân và các phiên livestream bán hàng dịp Tết.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, mục tiêu của hoạt động này là hỗ trợ bà con quảng bá hình ảnh làng hoa, tiếp cận được nhiều hơn lượng khách hàng tiềm năng. Từ đó, thu hút và kích thích nhu cầu mua hoa kiểng của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân nơi đây.
Ngoài tập trung vào những thị trường truyền thống như trước đây, bà con nông dân cũng được hướng dẫn đăng kí và sử dụng các tính năng thương mại điện tử như TikTok Shop, tự thực hiện các phiên livestream kết hợp cùng các nhà sáng tạo nội dung TikTok để giới thiệu và bán các loại hoa kiểng, cây kiểng của mình vào dịp Tết này.
TikToker Tun Phạm cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Bến Tre để trải nghiệm, cũng như tìm hiểu về quy trình chăm sóc, cách thức đóng gói hoa kiểng để vận chuyển đi xa. “Bà con miền Tây rất hiếu khách, chịu thương chịu khó. Hy vọng những buổi livestream tới đây sẽ được mọi người trên toàn quốc ủng hộ để chúng tôi có thể hỗ trợ bà con miền Tây bán các sản phẩm nông sản chất lượng.
Nhiều người ở miền Bắc và miền Nam cũng còn rất hiếu kỳ và muốn khám phá hơn về miền Tây, vì vậy, bà con nông dân nơi đây hãy tự tin để có thể quảng bá, giới thiệu với bạn bè không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới về những nét đẹp văn hóa, ẩm thực, đặc biệt là nông sản, hoa kiểng đặc trưng của vùng đất này”, Tun Phạm chia sẻ.
Theo TikToker Long Chun, để có sản phẩm nông sản đạt chất lượng, bà con miền Tây đã rất vất vả. Vì vậy, với các buổi livetreams sắp tới, các TikToker như anh sẽ có cơ hội để kêu gọi mọi người cùng hỗ trợ nông sản Việt Nam, để nông sản Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn trong nước và quốc tế.
“Muốn bán hàng online, họ cần cập nhật kiến thức để tiếp cận với khách hàng. Dần dần, bà con cũng nên để con, cháu mình học cách bán hàng online, để có thể trực tiếp bán từ vườn đến tay người tiêu dùng. Khi ấy, người tiêu dùng mua được giá tốt, không phải mất thêm một khoản phí nào cho trung gian, có lợi cho cả người tiêu dùng và nhà bán hàng”, Long Chun nói và cho biết, dịp Tết sẽ cố gắng livestream bán được càng nhiều nông sản càng tốt, để Tết này trên mâm bánh kẹo của mọi gia đình đều có những sản phẩm nông sản của Việt Nam thay vì bánh kẹo nhập từ nước ngoài.
Ông Phước Ân (chuyên cung cấp hoa cúc mâm xôi tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên chất lượng cây đẹp hơn năm ngoái. Với khoảng 4.500 chậu cúc mâm xôi tại vườn đã có thương lái đến hỏi mua. Dự kiến trong thời gian tới, nếu thuận lợi, ông sẽ mở rộng thêm diện tích và tìm cách để bán thêm trên kênh online.
Vào những ngày này, người dân ở vùng trồng hoa kiểng Chợ Lách, Bến Tre đang bận rộn tập trung chăm sóc các chậu hoa, cây kiểng cho Chợ Tết Nguyên Đán năm 2024 sắp đến.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, hoa kiểng không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bến Tre, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và góp phần phát triển kinh – xã hội tại địa phương.
Theo phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, Tết năm nay, sản lượng hoa kiểng ở Chợ Lách ước khoảng 9 – 10 triệu sản phẩm, phục vụ nhu cầu hoa Tết của người dân.
Trước đó, 100 KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) đã cùng TP.HCM hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng. Đây là năm đầu tiên TP.HCM tổ chức các hoạt động kết nối, quảng bá hàng hóa, sản phẩm OCOP, du lịch… trên nền tảng xã hội, mang lại những tín hiệu tích cực.
Với mong muốn quảng bá nét đẹp của làng hoa kiểng Tết Chợ Lách (Bến Tre) đến với đông đảo người dân trên cả nước, từ 12 – 16 giờ ngày 9/1, sẽ diễn ra phiên livestream (phát trực tiếp) “chợ Tết miền Tây” trên nền tảng TikTok Shop với sự tham gia của các TikToker có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội như ca sĩ Miu Lê, Long Chun, Tun Phạm, Phương Oanh để bán nông sản, đặc sản miền Tây cùng với các nhà bán hàng địa phương.
Nguồn: nongnghiep.vn