Khoanh vùng sớm, dập dịch tả lợn châu Phi hiệu quả
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 5/7 huyện, thành phố tại 12/138 xã. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy 536 con, trọng lượng tiêu huỷ 17.076kg.
Riêng trong khoảng 1 tháng trở lại đây có 12 xã bùng phát dịch bệnh, tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương và Yên Sơn. Điều này cho thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh luôn tiềm ẩn trong các hộ chăn nuôi, nếu chủ quan, lơ là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu thụ của thị trường sẽ tăng lên.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi phát sinh dịch bệnh, ngành NN-PTNT và chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên môn xuống các ổ dịch để kịp thời tiêu độc trử trùng, tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát của dịch bệnh.
Đến nay, đã có 5 xã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới và còn 7 xã chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên tình hình dịch bênh có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do người chăn nuôi còn chủ quan trên địa bàn không còn dịch bệnh, chưa thực hiện nghiêm các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh phòng bệnh, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại cơ sở còn nhiều hạn chế.
Từ ngày 20/10/2023 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát trở lại tại các xã Chiêu Yên, Hoàng Khai và thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn, xã Hồng Thái huyện Na Hang, nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất cao. Tổng số lợn mắc bệnh là 109 con.
Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Sơn cho biết, ngay sau khi trên địa bàn phát sinh dịch bệnh UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã có dịch phối hợp với cán bộ chuyên môn tổ chức, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn theo các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo kịp thời, hiệu quả; tổng hợp, báo cáo kết quả phòng, chống, nhu cầu hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, tại một số địa phương có tình trạng lợn chết rải rác, mổ chạy, bán chạy, thả rông lợn bệnh, vứt xác lợn bệnh ở đầu nguồn sông suối là nguyên nhân làm lây lan nguồn bệnh. Nhất là tại phường Mỹ Lâm, của thành phố Tuyên Quang, xã Đà Vị, huyện Na Hang; xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn. Trước thực trạng này, ngành NN-PTNT cùng với UBND huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động, giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm các hiện tượng nêu trên.
Từ đầu tháng 11/2023 đến nay không phát hiện có lợn chết vứt ra môi trường. UBND các xã, phường có lợn chết vứt ra môi trường đã chỉ đạo nhân viên chăn nuôi thú y phối hợp với các thôn, tổ nhân dân thực hiện tiêu huỷ theo quy định.
Tránh rơi vào khó khăn kép
Hiện nay giá thức ăn chăn nuôi vẫn khá cao, trong khi đó thịt lợn hơi bán trên thị trường đạt 47.000 đên 50.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi có lãi nhưng không nhiều. Tuy nhiên, nếu để dịch bệnh bùng phát thì sẽ đẩy người chăn nuôi ở Tuyên Quang rơi vào khó khăn kép.
Một trong những yếu tố quan trọng để dịch không bùng phát đó là việc tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bênh. Trên thực tế, các ổ dịch được công bố từ đầu năm đến nay tại tỉnh Tuyên Quang đều nằm trong những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó việc chủ quan lơ là, khi thấy lợn có dấu hiệu bệnh thường tự chữa trị, không báo ngay cho nhân viên chăn nuôi thú y xã hoặc chính quyền địa phương, vì vậy việc phát hiện một số ổ dịch không được kịp thời.
Mạng lưới thú y cơ sở tại một số địa phương mặc dù đã được củng cố, tăng cường nhưng vẫn còn thiếu và yếu nên công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Việc giết mổ lợn chủ yếu là thủ công tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hộ gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư, địa bàn rộng, nên công tác kiểm soát giết mổ thực hiện chưa triệt để.
Ngày 16/10, đàn lợn của gia đình chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn có 2 con bỏ ăn và sốt cao. Do thiếu kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi nên thay vì báo với cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương chị Vân lại chủ động mua thuốc thú y về điều trị cho đàn lợn. Do không điều trị và xử lý đúng cách, đàn lợn không những không hỏi mà tổng đàn 40 con đã mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và phải tiêu hủy.
Chị Vân cho biết, số lợn này chị dự kiến sẽ bán vào dịp gần Tết vừa mong thị trường cuối năm sẽ tăng cao, vừa giúp gia đình có một khoản tiền khá khá để mua sắm vào dịp Tết Nguyên đán. Dù rất xót của, nhưng chị Vân tích cực phối hợp với ngành chức năng để thực hiện tiêu hủy đàn lợn, tiêu độc trử trùng vệ sinh khu chuồng chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan bùng phát.
Với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng dịch nên gần như không có dịch bệnh. Hiện nay HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương thường xuyên chăn nuôi gần 300 con lợn nái, hơn 4.000 con lợn thương phẩm. Do đó yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn thức ăn, vệ sinh chuồng trại, nguồn nước phục vụ chăn nuôi… đều được kiểm soát chặt chẽ.
Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung cho biết, trang trại chăn nuôi của HTX được xây dựng thành chuỗi đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường và cam kết sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Do chăn nuôi quy mô lớn nếu để xảy ra rủi ro, nhất là bị dịch tả lợn Châu Phi tấn công thì nguy cơ thua lỗ rất cao. Do đó, việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc phòng bệnh được HTX đặt lên hàng đầu. Kể cả lực lượng kỹ sư, công nhân làm việc trong khu chăn nuôi cũng phải hạn chế tối đa việc ra vào trang trại để tránh nguồn, mầm bệnh từ bên ngoài đưa vào trang trại.
Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 583.367 con lợn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có 490.937 con lợn thịt. Năm 2023, ngành chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5 – 6% so với năm 2022, sản lượng thịt các loại ước đạt 70 triệu tấn, trong đó thịt lợn là hơn 48 triệu tấn.
Để hoàn thành mục tiêu này, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, thì công tác phòng, chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Nhất là đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục…
Nguồn: nongnghiep.vn