Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê, song nhờ năng suất cao nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ hai thế giới, từ 1,75 – 1,85 triệu tấn.
Sản lượng giảm, giá cà phê tăng
Tháng 12/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 11/2023. Ngày 17/12, thị trường trong nước ghi nhận tăng 6.200 – 7.000 đồng/kg so với ngày 1/12. Đến ngày 20/12, mức giá thu mua cà phê đạt gần 70.000 đồng/kg. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục do cung không đủ cầu.
“Diện tích cà phê nước ta đang bị thu hẹp tại nhiều vùng trồng trọng điểm, do bà con chuyển sang trồng những cây đem lại giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng. Diện tích vùng trồng giảm dẫn đến nguồn cung ứng ra thị trường khan hiếm, giá tăng cao”, ông Nam chia sẻ thêm.
Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt do hiện tượng El Nino cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cà phê Robusta tại những nước xuất khẩu chính như Việt Nam hay Indonesia, dẫn đến giá cả tăng vọt.
Trong báo cáo mới đây, đơn vị nghiên cứu BMI của Fitch Solutions cho biết, hiện tượng El Nino có liên quan đến lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ cao hơn, cả hai yếu tố đều làm giảm sản lượng cà phê.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Việt Nam, Indonesia và Brazil là những nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích cho biết thêm: “Mưa lớn ở Indonesia vào quý I/2023 đã có tác động tiêu cực đến chất lượng hạt cà phê. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê robusta sẽ giảm khoảng 1/5”.
Trước thực trạng này, nhiều dự báo cho thấy, từ nay đến hết tháng 4/2024, tình trạng nguồn cung khan hiếm vẫn diễn ra, khiến giá cà phê nội địa của Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024.
Doanh nghiệp cà phê nội địa gặp khó
Trái với sự mừng vui theo số liệu của các cơ quan chức năng, thì cả nông dân và một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lại cho rằng họ không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng.
Theo ông Lương Bá Thái, Giám đốc Công ty CPPT Việt Cafe, hai năm gần đây, vùng trồng cà phê bị thu hẹp, giá thu mua cà phê liên tục thay đổi, tăng cao theo giờ.
“Những năm trước, công ty tôi có thể tính được giá thành sản xuất trong một năm, thì đến năm 2023, giá thành sản xuất tính theo từng đơn hàng. Giá thu mua cao, giá thành sản xuất tăng, giá bán giữ nguyên, doanh nghiệp không có lãi. Trước tình hình trên, doanh nghiệp đang phải chuyển hướng sản xuất những sản phẩm cà phê cao cấp hơn để tăng giá bán”, ông Thái chia sẻ thêm.
Ông Thái Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nhận định, thực tế do thiếu vốn, nên không mấy doanh nghiệp mua trữ cà phê lúc giá thấp. Trái lại thu mua cà phê vào lúc này, giá cà phê mua vào tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng 2,4%, khiến lợi nhuận giảm đi.
Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng. Hiện cà phê trong dân và các đại lý gần như cạn kiệt. Phần lớn cà phê đang nằm ở trong kho các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nên các doanh nghiệp này được hưởng lợi chính trong đợt tăng giá kỷ lục.
Nguồn: nongnghiep.vn