6 giờ sáng, người trồng hoa thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều đã tất bật trên những cánh đồng. Thời tiết se lạnh cả tháng nay thuận lợi cho cây sinh trưởng nên việc chăm sóc vườn hoa, cây cảnh của người làng Đồng Đò bớt vất vả hơn mọi năm. Mỗi người một công việc, người phun nước, rửa sạch nhện đỏ cho quất cảnh, người tích cực bón phân, tỉa cành, giữ dáng cho đào, cúc, hoa ly… để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
4 sào quất cảnh của gia đình bà Trương Thị Thúy, người trồng hoa, cây cảnh lâu năm ở Đồng Đò đang độ sai quả, xanh lá. Ngày nào vợ chồng bà cũng phải tỷ mẩn tỉa cành, giữ dáng cho cây vì thương lái đã tới đặt cọc mua nửa vườn quất với giá cao hơn so với năm ngoái. Bà Thúy cho biết chất lượng cây vẫn như năm trước nhưng được giá hơn. Hiện giá từ 400 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/cây. Ở làng trên có người bán được cây quất gần 2 triệu đồng.
“Cả năm trồng mới được 1 cây quất nên chúng tôi cũng phấn khởi, mong muốn nhiều người biết đến vùng trồng Bình Khê để tới đây mua với giá phù hợp và cây đẹp hơn…”, bà Thúy phấn khởi nói.
Bình Khê là xã có diện tích trồng hoa lớn nhất thị xã Đông Triều với 185 ha. Hoa vụ Tết ở Bình Khê chủ yếu là các loại hoa cúc, dơn, ly, violet, đào và quất cảnh. Khác với các nhà vườn hiện đại, vườn hoa ở Bình Khê phần lớn trồng cây ngoài trời, quy hoạch cây trồng theo hàng lối thẳng tắp, đan xen nhiều loại hoa, cây cảnh đẹp mắt.
Không chỉ cần cù siêng năng, người trồng hoa Bình Khê còn mạnh dạn trồng thử nghiệm các giống hoa mới, cho năng suất, hiệu quả cao hơn. Như nhà vườn của ông Đỗ Văn Cương, thôn Dọc Mản, xã Bình Khê là một ví dụ. Gần 4 năm nay, vụ hoa Tết nào ông Cương cũng dành khoảng 1/3 diện tích để trồng giống hoa mới bên cạnh các loại hoa truyền thống như hoa cúc, hoa ly và lay ơn.
Đáng chú ý, từ những tìm tòi và thử nghiệm, ông đã nhân giống hoa lay ơn mới thành công để xuất bán cho các vùng hoa vốn trước đây người làng Bình Khê phải tới học tập kinh nghiệm, nhập giống hoa về trồng.
Chỉ tay vào gốc hoa lay ơn, ông Cương hào hứng kể: “Đây là giống của Việt Nam, 1 củ giống này chúng tôi mua 3 nghìn đồng nhưng nhân ra và bán lại cho bà con thì chỉ khoảng 1 nửa giá thành. Tôi thấy nhân giống ra rất khỏe, cây xanh. Ví dụ 100 cây thì chỉ hỏng 1 cây còn giống bản địa trồng trước đây thì chỉ đạt 80-90%. Một số giống cây cũng mang từ Hà Lan về nhưng cũng không bằng giống cây chúng tôi đang trồng”.
Ông Phạm Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Bình Khê, cho biết xã có vùng quy hoạch trồng chuyên canh cây cảnh nhưng phần lớn diện tích bà con vẫn trồng lúa quanh năm. Trồng hoa Tết là vụ thâm canh 3 tháng cuối năm nhằm nâng cao giá trị trên một mẫu đất canh tác nhưng lại mang thu nhập chính cho người dân với khoảng 200 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập chính giúp hơn 550 người trồng hoa Bình Khê đón Tết sớm.
Ông Phong chia sẻ: “Trong 3 năm gần đây, địa phương đưa các giống mới vào sản xuất để cải tạo giống cũ đã bị thoái hóa nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Bên cạnh hoa, Bình Khê có vùng chuyên canh trồng cây cảnh quất, mai vàng và đào mang giá trị rất cao cho người sản xuất. Chúng tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho bà con đảm bảo ra hoa đúng dịp Tết để cung ứng ra thị trường”.
Cũng theo ông Phong, năm nay thời tiết thuận lợi, các đợt gió mùa Đông Bắc kèm sương giá ít hơn so với năm ngoái nên các nhà vườn đang vui mừng, phấn khởi vì hoa nở đúng vụ, cây cảnh sai quả, ít sâu bệnh. Đến thời điểm này, giá các loại hoa được cho là nhỉnh hơn so với năm ngoái, riêng phần lớn quất cảnh ở Bình Khê đã được thương lái tới đặt hàng với giá cao hơn 30%. Đây là những tín hiệu đáng mừng với kỳ vọng về vụ hoa Tết no ấm của người trồng hoa, cây cảnh ở vùng đất Đệ tứ Chiến khu Đông Triều.
Nguồn: nongnghiep.vn