Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng và phát triển Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đề án góp phần nâng cao đời sống tình thần, vật chất của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu, thể hiện tinh thần có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu, xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp.
Ngoài sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, đề án cũng nhận được sự đồng thuận tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, việc phát động thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL là vấn đề mà ông rất quan tâm.
Đại diện doanh nghiệp này mong muốn, Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương vùng ĐBSCL, các đơn vị liên quan, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa rõ ràng và tập trung. Từ đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến, kết nối các doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu. Có như vậy, mới tăng khả năng chinh phục thị trường, ngành hàng lúa gạo sẽ phát triển hơn.
Riêng đối với Tập đoàn ThaiBinh Seed, hiện đã xây dựng được vùng nguyên liệu 8.000ha lúa trên toàn quốc, 30% diện tích tập trung ở các tỉnh miền Nam. Ông Trần Mạnh Báo định hướng, thời gian tới sẽ phát triển thêm các giống lúa mới, có thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, cho năng suất và chất lượng gạo ngon, vượt trội hơn nhiều giống đang có trên thị trường để đồng hành cùng đề án.
Được biết, trước đó, tập đoàn này cũng đã cải tiến nhiều giống lúa có khả năng hạn chế được sâu bệnh, dù ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu cho năng suất cao.
Theo kế hoạch trong 5 năm tới, Tập đoàn ThaiBinh Seed sẽ đầu tư nhà máy sản xuất gạo hiện đại tại Thái Bình, khởi công trong năm 2024 và đang lựa chọn địa điểm để xây dựng thêm nhà máy ở khu vực ĐBSCL.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An với 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo ở khu vực ĐBSCL, được tiếp cận nhiều mô hình, đề án, giải pháp từ Bộ NN-PTNT đến các địa phương vùng ĐBSCL triển khai cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Qua đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trung An đánh giá, đến nay ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có nhiều thay đổi.
Đặc biệt, giá gạo Việt Nam khoảng 3 năm gần đây đứng cao nhất thế giới, nhiều thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia… chấp nhận mua gạo Việt Nam với giá cao. Ông Bình khẳng định, điều này minh chứng chất lượng gạo Việt Nam đã thay đổi và được thế giới nhìn nhận tích cực.
Được biết, thời điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được “chắp bút” từ giữa năm 2022, doanh nghiệp này tiên phong đồng hành tham gia đề án. Khi đề án đi vào thực hiện giai đoạn 1 (2024 – 2025), ông Bình cam kết sẽ đưa các quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính như ngập khô xen kẽ, tiết kiệm nước, giảm hóa chất trên đồng ruộng, tái thiết hệ thống kênh mương thủy lợi ở cánh đồng liên kết của Công ty Trung An.
Hiện nay, doanh nghiệp này đã triển khai liên kết với bà con nông dân và HTX ở 5 địa phương vùng ĐBSCL là Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, với diện tích trên 10.000ha.
Cũng tại sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, 2 đơn vị thành viên Tập đoàn PAN là Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) và Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) đã ký kết biên bản hợp tác với Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II, xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực ĐBSCL.
Theo đó, ba đơn vị thống nhất cùng kết hợp xây dựng bộ giải pháp kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an toàn thực phẩm. Giải pháp bao gồm giống của Vinaseed, phân bón của Bình Điền II và kiểm soát dịch hại của VFC.
Đồng thời, phối hợp tổ chức các điểm trình diễn giống lúa, phân bón với bộ giải pháp kỹ thuật mới tại các điểm nông dân nòng cốt ở tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh trọng điểm trồng lúa vùng ĐBSCL. Các bên cùng thực hiện theo dõi, giám sát, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đánh giá hiệu quả đồng ruộng theo giai đoạn sinh trưởng, chuyển giao kỹ thuật, quảng bá và lan tỏa hiệu quả.
Trong tháng 12 này, các doanh nghiệp sẽ triển khai bước đầu cung cấp sản phẩm và giải pháp về giống, nông dược, phân bón cho bà con nông dân thuộc phạm vi hỗ trợ của đề án.
Trước đó, 2 đơn vị thành viên Tập đoàn PAN cũng đã ký kết hợp tác với tỉnh Đồng Tháp để thực hiện Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”. Bà con nông dân khi tham gia đề án này sẽ được hỗ trợ nguồn giống chất lượng, sản xuất theo quy trình canh tác tiêu chuẩn, hướng dẫn áp dụng các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dịch hại, gắn liền với việc bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo.
Theo đánh giá của doanh nghiệp, Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” có nhiều điểm tương đồng quan trọng, hỗ trợ hiện thực hóa Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NN-PTNT.
Kế hoạch đưa ra trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giai đoạn 1 (2024 – 2025), các địa phương sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Giai đoạn 2 (2026 – 2030), sẽ mở rộng thêm 820.000ha.
Đề án có mục tiêu hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.
Ngoài ra, đề án góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Nguồn: nongnghiep.vn