Ngày 17/1, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh gia Lai cho biết, quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng đồng bộ với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả nước. Đồng thời, việc quy hoạch đã thể hiện tư duy, tầm nhìn để tạo ra cơ hội, động lực phát triển và giá trị mới cho tỉnh Gia Lai.
“Việc quy hoạch được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm qua các thời kỳ đã cho thấy ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Gia Lai với mục tiêu đến năm 2030. Cụ thể, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Mục tiêu là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia”, ông Long chia sẻ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đồng thời là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
“Chính phủ sẽ hết sức quan tâm để làm sao đưa vùng đất giàu tiềm năng này tiếp tục phát triển bền vững nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Với thành tựu và nền tảng được tạo lập, cùng truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chúng ta tin tưởng Gia Lai sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 9,57%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 40% trở lên. Năm 2030, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương bình quân đạt 1.400 triệu USD.
Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Để đạt được điều này, Gia Lai đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, đảm bảo các điều kiện thuận lợi, công bằng về lợi ích cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Xây dựng tỉnh Gia Lai theo hướng trở thành hình mẫu về mô hình phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên rừng, trở thành một trong những tỉnh đầu tiên có nền kinh tế trung hòa các bon.
Không những vậy, Gia Lai còn chú trọng đột phá phát triển về cơ chế, chính sách, nhân lực, hạ tầng, mạng lưới sinh thái, hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, bản quy hoạch này hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên chúng ta có hệ thống quy hoạch phát triển. Ngay sau bản quy hoạch này, Gia Lai cần phải kết hợp với các địa phương, quy hoạch thành vùng Tây Nguyên kết nối với duyên hải miền Trung, các tỉnh phía Nam để tạo ra vị thế phát triển mới. Quy hoạch này mang tính định hướng, sau đó Gia Lai cần phải tiếp tục đầu tư để hiện thực hóa các ý tưởng tiếp theo. Việc làm tốt quy hoạch cũng là bước để Gia Lai quảng bá hiệu quả nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Liên quan đến các lĩnh vực phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Gia Lai có tiểm năng về tài nguyên nước, thủy điện, năng lượng tái tạo… nên cần phải được nhấn mạnh trong định hướng phát triển. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao như nông nghiệp xanh, dược liệu gắn liền với chế biến. Gia Lai có diện tích rừng rất lớn, vì vậy cần phải phát triển kinh tế gắm với phát triển lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng chính phủ cũng đề nghị Gia Lai đặt cho mình sứ mệnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số để các thủ tục hành chính, thu hút đầu tư sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nguồn: nongnghiep.vn