Hiện nay, diện tích cam của toàn huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) là 5.100ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 4.800ha. Tổng sản lượng cam ước 67.700 tấn, trong đó sản lượng cam sành khoảng 48.700 tấn; cam chanh, cam Xã Đoài hơn 15.500 tấn…
Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết, so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái thì cam năm nay khá được giá. Riêng cam sành được thu mua tại vườn với giá 10.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với năm ngoái; cam Vinh giá trung bình 12.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam, huyện Hàm Yên đã tập trung duy trì và phát triển thị trường tiềm năng. Với cam xanh, tập trung vào thị trường các tỉnh miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên. Đối với sản phẩm cam chín, tập trung tiêu thụ tại các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Đầu vụ thu hoạch cam năm nay, huyện cũng đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Hàm Yên tại TP Hà Nội.
Diện tích trồng cam của xã Yên Lâm (huyện Hàm Yên) hiện nay chỉ còn 370ha, giảm 100ha so với năm ngoái. Nguyên nhân do tình trạng nhiều vườn cam bị sâu bệnh chết hoặc do những năm trước đó cam mất giá, người dân bỏ cam để trồng cây khác. Tuy diện tích suy giảm nhưng năng suất và sản lượng cam ở Yên Lâm năm nay đều được các nhà vườn đánh giá là được mùa.
Ông Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết, năm nay cam khá được giá, ngay từ đầu vụ thương lái đã đến tận nhà vườn thu mua với giá 10.000 đồng/kg với cam sành; cam chanh, cam Vinh giá 12.000 đồng/kg, cam Canh giá hơn 20.000 đồng/kg…, cao hơn từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay cam chanh và cam Vinh đang vào vụ thu hoạch rộ. Riêng cam sành mới vào đầu vụ nhưng thương lái đã đến các hộ gia đình đặt lịch thu mua nên việc tiêu thụ được giá và khá thuận lợi. Hiện nay, diện tích cam sành mới thu hoạch được khoảng hơn 10%.
Nhằm ứng phó với tình trạng cam bị dịch bệnh, thu hẹp diện tích, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và UBND huyện Hàm Yên thời gian qua đã khuyến khích các hộ dân mở rộng sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Đến nay, huyện Hàm Yên đã xây dựng được 20 tổ, nhóm sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 806ha, gồm 380 hộ tham gia. Diện tích sản xuất cam hữu cơ của huyện Hàm Yên hiện có 15,8ha của 12 hộ tại 4 nhóm sản xuất trên địa bàn các xã Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Tân Yên, trong đó có 13,8ha đã được cấp chứng nhận và 2ha cam đang trong quá trình chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
Gia đình ông Hoàng Biên ở tổ dân phố Tân Yên (thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên) trồng cam hữu cơ được 4 năm nay. Để thuận tiện chăm sóc vườn cam, ông Biên đã dựng căn nhà tạm trong khu đồi cam của gia đình để vừa làm chỗ nghỉ chân, vừa làm nơi tập kết nguyên liệu ủ phân để bón thúc dưỡng cây. Căn nhà tạm cũng là nơi tập kết hộp xốp đóng cam khi vào vụ thu hoạch.
Ông Biên cho biết, trồng cam hữu cơ, ông thực hiện bón phân chuồng, phân làm từ đậu nành, cá; gừng tỏi ớt và rỉ mật được ông tích trữ cả tấn để dự trữ ủ. Theo ông Biên, cam hữu cơ ở Hàm Yên năm nay được giá hơn năm ngoái (năm ngoái 27.000 – 28.000 đồng/kg, năm nay 32.000 đồng/kg).
Tuy giá cao hơn nhưng người trồng cam cũng nhiều mối lo, đó là việc giá giống, vật tư, tiền thuê nhân công năm nay cũng tăng cao. Mặc dù vậy, với 15 tấn cam, vụ thu hoạch năm nay ông Biên ước thu về hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi khoảng 300 triệu đồng. Đặc biệt, cái được lớn nhất khi triển khai mô hình trồng cam hữu cơ đó là những cây cam trong vườn cam của gia đình ông Biên luôn khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh và sức khỏe của các thành viên trong gia đình được đảm bảo vì không phải sử dụng hóa chất độc hại để chăm sóc vườn cam.
Vụ thu hoạch cam của huyện Hàm Yên năm nay dự kiến kéo dài từ cuối tháng 12/2023 đến cuối tháng 2/2024. Với giá cam các loại như hiện nay, người trồng cam phấn khởi, mang lại nhiều hi vọng về một vụ cam thắng lợi.
Nguồn: nongnghiep.vn