Ngày 19/1, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang Nguyễn Văn Phước thay mặt lãnh đạo tỉnh phát biểu công bố Quy hoạch.
Theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nội dung quan trọng về quan điểm phát triển tỉnh An Giang là tổ chức, sắp xếp không gian phát triển bảo đảm phát huy vị thế chiến lược của tỉnh với vùng ĐBSCL và cả nước, kết nối chặt chẽ, hiệu quả với TP.HCM, các địa phương vùng Đông Nam bộ và hợp tác với Campuchia. Phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông, khu kinh tế cửa khẩu, các khu cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.
Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL, có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững. An Giang là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao, trung tâm du lịch sinh thái của vùng và đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20%, khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 25%, khu vực dịch vụ khoảng 50%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 5%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng…
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN. Bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.
Quy hoạch xác định các đột phá phát triển tỉnh An Giang là xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.
Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc – Long Xuyên, hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên – Châu Đốc – An Phú – Tân Châu (Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số (trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, quy hoạch được duyệt là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển là cơ sở pháp lý để sắp xếp không gian, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực. Khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa An Giang phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong 30 năm tới.
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch đến cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; nhằm tạo thống nhất về nhận thức; hành động và hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Thứ hai, trên cơ sở nội dung quy hoạch; các cấp, các ngành và địa phương phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Tăng cường tính chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.
Thứ ba, tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Chủ động nghiên cứu, sửa đổi; đề nghị sửa đổi các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành. Đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Thứ tư, nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo đúng định hướng quy hoạch tỉnh.
Khẩn trương chuẩn bị chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá, sức lan tỏa, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế.
Thứ năm, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tăng cường bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học – công nghệ. Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư đến với tỉnh An Giang.
“Quy hoạch tỉnh An Giang được công bố hôm nay mới là bước khởi đầu. Chặng đường thực hiện là rất dài, với mục tiêu rất lớn. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Tôi kêu gọi các cấp, các ngành, toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh An Giang đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm; chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh An Giang theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; xây dựng An Giang – quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh”, Bí thư Tỉnh ủy An Giang chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn