Sáng 22/1, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị trực thuộc làm việc với đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KHCN&MT) của Quốc hội về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Thực hiện Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, đến nay, ngành NN-PTNT đã có 1.359 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 114 quy chuẩn quốc gia (QCVN). Trong đó, tất cả nhóm sản phẩm hàng hoá thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” và 11 nhóm hàng hoá thuộc “Danh mục hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành” thuộc trách nhiệm của Bộ NN-PTNT đều đã có QCVN và TCVN để quản lý.
Tuy nhiên, sau 17 năm ra đời, hiện tại, Bộ NN-PTNT đánh giá bộ luật đang có một số khó khăn vướng mắc. Ví dụ, trong xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia quy định: “Tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài” và “Tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, hàng hoá,… dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của mình” tại Điều 44, 45 là chưa phù hợp với thực tế.
Nguyên nhân là hầu hết vật tư nông nghiệp chỉ có tiêu chuẩn cơ sở, nếu quy định như trên sẽ không đủ điều kiện để công bố hợp chuẩn.
Ngoài ra, trong xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng không còn phù hợp.
Nguyên nhân, do “sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan” và “việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ, trình tự, thủ tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật” thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành phải thực hiện trong quá trình xây dựng quy QCVN.
Và trong quá trình xây dựng QCVN, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu dự thảo QCVN và chịu trách nhiệm về nội dung quy định của QCVN khi ban hành.
Bên cạnh đó, còn những vướng mắc liên quan sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật Đầu tư năm 2020 và sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật An toàn thực phẩm.
Lắng nghe báo cáo từ các đơn vị trực thuộc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra một số đề xuất với đoàn công tác Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội. Đầu tiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh sự cần thiết của tiêu chuẩn địa phương, tiêu chuẩn cơ sở.
“Đây là những tiêu chuẩn mà cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp xây dựng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính với sự tham gia của nhiều bên: “Mặc dù cắt giảm nhưng phải kiểm soát tốt”.
Liên quan cơ chế phối hợp, Thứ trưởng cho biết Bộ KHCN có thể tham gia vào khâu hậu kiểm với những cơ chế, phương án phối hợp hợp lý.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng lưu ý các đơn vị trong Bộ phải theo dõi sát sao, liên tục đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng các cơ chế chính sách.
Một đề nghị nữa được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ra với đoàn công tác là việc tạo điều kiện để ứng dụng thí điểm những kết quả nghiên cứu mới, tránh bị chậm trễ so với thực tiễn.
Nhất trí với các ý kiến của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đề nghị phía Bộ sớm hoàn thiện, bổ sung các kiến nghị. Ví dụ như có phụ lục cụ thể về các TCVN, QCVN mà Bộ đã ban hành.
Liên quan vấn đề xung đột các văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Phương Tuấn cho rằng việc khó khăn, vướng mắc xuất hiện khi thay đổi chính sách là có. Do đó, cần bổ sung, nghiên cứu, làm việc với các Bộ chuyên ngành để giải quyết.
Một đề xuất cụ thể nữa được Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đưa ra là Bộ NN-PTNT sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho giống cây trồng, cùng với đó là hướng dẫn thử nghiệm giống cây trồng đều xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống trong bối cảnh Luật Trồng trọt đã ra đời từ năm 2018.
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nêu ra một loạt vướng mắc liên quan đến ngành thú y như cần bổ sung quy định về mẫu bệnh phẩm khi xét nghiệm thú y hay thay đổi quy định Bộ KHCN cấp phép cho phòng thí nghiệm thú y vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn sẽ dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh.
Về các quy định liên quan sản xuất thuốc thú y, ông Nguyễn Văn Long cho biết, tất cả các sản phẩm trong nước (khoảng 13.000) và nhập khẩu (khoảng 7.000) đều đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất là GMP nên không cần đến việc hợp chuẩn, hợp quy.
“Nếu yêu cầu thêm về hợp chuẩn, hợp quy thì sẽ phát sinh thủ tục hành chính, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp mà không giúp sản phẩm tốt hơn vì đã đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất là GMP”, Cục trưởng Cục Thú y phân tích thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn