Ruộng nước biến thành bãi tập kết cát sỏi
Thôn Sà Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) nằm ở khu vực trung tâm trận sạt lở kinh hoàng năm 2020. Mưa tầm tã nhiều ngày liền khiến một lượng lớn đất đá, gỗ rừng từ các ngọn núi sau lưng khu dân cư của thôn đột ngột đổ về. Chỉ trong chốc lát, những cánh đồng sản xuất lúa màu mỡ là nguồn sống chính của đồng bào Bru Vân Kiều biến thành bãi tập kết của hàng hà sa số của những tảng đá, những thân, cành gỗ mục. Đất đá tràn vào khu dân cư, dâng cao khiến những cầu thang của các ngôi nhà sàn bỗng trở nên không còn hữu dụng. Những thửa ruộng vốn thấp hơn rất nhiều so với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nay bỗng được san phẳng, ngang với nền đường.

Sau trận sạt lở, lũ ống, lũ quét năm 2020, cánh đồng ở thôn Sà Đưng bị vùi lấp. Ảnh: Võ Dũng.
Mất đất sản xuất, nhiều hộ dân rơi vào cơn bĩ cực. Lao động chính phải sang xã Hướng Lập thuê lại ruộng để trồng lúa, nhiều người phải tha phương cầu thực. Chạy vạy trăm đường mưu sinh nhưng cuộc sống người dân mất ruộng vẫn vô vàn cơ cực.
Gia đình bà Hồ Thị Chùa có thửa ruộng duy nhất trên 4 nghìn m2 nằm ở ngay nhà văn hóa thôn Sà Đưng. Ngoài vài ba sào sắn và một ít diện tích cây bời lời thì đây là nguồn sống chính của trên chục nhân khẩu trong gia đình bà. Thế nhưng, sau trận lũ ống, lũ quét và sạt lở lịch sử, ruộng lúa nhà bà bị san phẳng, cao hơn mặt ruộng cũ chừng 1,5-2m. Cành, gỗ, đất đá vẫn còn ngổn ngang; dòng suối bị biến đổi, đi thẳng vào giữa ruộng, không thể cải tạo.
“Giờ thuê máy cải tạo cũng phải mất hàng chục triệu đồng, gia đình không biết lấy đâu ra. Nhưng nếu có múc hết đất đá đi sợ cũng không thể trồng lúa được nữa. Gia đình tôi đành để vậy, đi thuê đất trồng lúa; bán vỏ bời lời, trồng sắn kiếm nguồn thu nhập sinh sống qua ngày”, bà Chùa than thở.
Không có ruộng, con dâu bà, đứa thì về nhà ngoại xin ruộng làm ké; đứa sang xã Hướng Lập thuê đất làm ruộng. Bà cùng một đứa con dâu còn lại ở nhà ngày trồng sắn, thu hoạch vỏ bời lời nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn.
“Được vài sào sắn thì không ăn thua gì. Vỏ bời lời khô trước đây bán với giá 14-15 nghìn/kg nhưng nay chỉ bán được 5 nghìn đồng/kg. Nguồn sống qua ngày vẫn là từ việc mấy đứa con trai đi làm công nhân xa nhà gửi tiền về”, vẫn lời bà Chùa.

Ruộng lúa ngay sau nhà bà Thành bị san phẳng. Ảnh: Võ Dũng.
Bà Hồ Thị Thành có 5 ô ruộng ngay sau nhà thì cả 5 ô đều bị san phẳng. Vay mượn khắp nơi được 7 triệu đồng, gia đình bà cải tạo 2 ô ruộng để sản xuất, mỗi năm cũng chỉ thu về 3-4 tạ lúa. Lúa cơ bản đủ ăn nhưng gia đình bà không có lương thực để chăn nuôi tăng gia. Vì vậy, đứa con trai bà Thành phải ra Thanh Hóa làm công nhân. Bà ở nhà trông 2 đứa cháu để con dâu đi làm thuê làm mướn kiếm thêm thu nhập.
“Giờ cũng muốn gọi con trai về nhà làm ăn, cải tạo 3 ô ruộng còn lại nhưng không có tiền. Ruộng bị san phẳng, chỉ toàn cát với đá thôi, không trồng được cây gì. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện để những hộ bị thiệt hại có đất sản xuất. Nông dân không có đất thì không biết sống bằng gì”, bà Thành rầu rĩ.

Nhiều hộ dân rơi vào cảnh bĩ cực sau trận đại hồng thủy năm 2020. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho hay, trong trận sạt lở vào năm 2020, toàn xã có trên 35/50 ha đất trồng lúa nước bị ảnh hưởng, trong đó có gần 10 ha bị vùi lấp. Đến nay, đồng bào đã cải tạo được một số diện tích và còn khoảng 4 ha không thể cải tạo do đất đá vùi lấp khối lượng lớn. Không có ruộng sản xuất, cuôc sống người dân vô cùng khó khăn.
Sạt lở nhiều, ngân sách không thể kham nổi
Toàn xã Hướng Việt có trên 1,6 nghìn nhân khẩu với trên 95% là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 53%. Xã có 50 ha ruộng nhưng sau mưa lũ, sạt lở năm 2020, trên 70% diện tích bị ảnh hưởng, vùi lấp. Sau nhiều nỗ lực khắc phục, đến nay toàn xã cũng chỉ có 35 ha ruộng nước có thể trồng lúa; 6-7 ha chuyển sang trồng hoa màu nhưng hiệu quả thấp.

Cánh đồng La Am, nguồn sống của hàng trăm người dân xã Hướng Việt đang có nguy cơ xóa sổ. Ảnh: Võ Dũng.
Theo ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, đồng bào ở đây sống dựa vào nông nghiệp nhưng điều đáng lo lắng là diện tích ruộng nước tại địa phương vẫn đang ngày ngày bị thu hẹp bởi sạt lở, nguy cơ cánh đồng La Am biến mất trong tương lai đang hiện hữu.
“Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm cánh đồng La Am dọc suối Sa Lít bị sạt lở 1,5 – 2 nghìn m2 và không có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân là do trận lũ ống, lũ quét, sạt lở năm 2020 khiến dòng suối bị biến đổi dòng chảy, khoét sâu vào phía cánh đồng. Xã thì không thể làm gì nổi còn huyện cũng đã khảo sát, tìm hiểu nhưng cũng không đủ nguồn lực đầu tư. Chính quyền và người dân rất lo lắng nhưng lực bất tòng tâm”, ông Sinh chia sẻ.
Ông Hồ Văn Huỳnh, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Hướng Việt dẫn chúng tôi ra bờ suối Sa Lít. Suối Sa Lít mùa này cạn nước, cát sỏi trơ trọi giữa dòng. Khu vực tiếp giáp với ruộng lúa của người dân xã Hướng Việt chỉ sâu chừng 1m nhưng hiện tượng sạt lở vẫn tiếp diễn. Bờ suối bị khoét hàm ếch sâu về phía cánh đồng La Am. Những tảng đất vừa sạt xuống bờ suối vẫn còn tươi mới. Chạy dọc bờ suối này, cánh đồng lúa vụ đông xuân đã được người dân cày cấy. Theo ông Huỳnh, suối Sa Lít hiện nay đã được mở rộng hơn rất nhiều so với trước năm 2020 và ngày càng ăn sâu vào cánh đồng La Am.

Sạt lở suối Sa Lít ăn sâu vào cánh đồng lúa La Am. Ảnh: Võ Dũng.
“Trước đây, lòng suối Sa Lít ở bên kia dãy núi; ruộng lúa ở giữa lòng suối bây giờ. Chúng tôi rất lo lắng, ngày thường đất vẫn sạt lở thì khi mùa mưa đến sẽ còn sạt lở với tốc độ nhanh hơn. Nếu không xây dựng kè chống sạt lở kịp thời thì đất nông nghiệp của xã sẽ biến mất trong nay mai. Công trình cấp nước tự chảy phục vụ sản xuất cũng không còn, đồng bào cơ bản chỉ cấy được vụ đông xuân còn vụ hè thu thì nhiều thửa ruộng thiếu nước phải bỏ hoang”, ông Sinh cho hay.
Cũng theo lời ông Sinh, La Am là cánh đồng lúa màu mỡ, cung cấp lương thực cho hàng trăm người dân trong xã. Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, cánh đồng lúa sẽ biến mất, hàng nghìn miệng ăn sẽ không biết trông chờ vào đâu, tỷ lệ hộ nghèo vì thế cũng sẽ không ngừng tăng lên.

Đây là dấu hiệu cho thấy, nếu không kịp thời xây kè thì cánh đồng lúa La Am biến mất chỉ là câu chuyện thời gian. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết thêm, không chỉ sạt lở đất nông nghiệp mà công trình nước tự chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt tại xã Hướng Việt cũng biến mất sau trận lũ năm 2020. Sau trận lũ, kinh phí từ nguồn ngân sách chỉ đủ để xây dựng kè chống sạt lở khu dân cư còn khu vực sản xuất hiện vẫn không có cách nào giải quyết. Nước sinh hoạt của người dân đã được đầu tư xây dựng ở một khu vực khác, về cơ bản đáp ứng nhu cầu.
“Cử tri và chính quyền địa phương đã phản ánh rất nhiều về vấn đề này rồi. UBND huyện cũng đã tổ chức khảo sát nhưng để xây dựng kè chống sạt lở cần nguồn kinh phí rất lớn, ngân sách huyện không đáp ứng được. Sạt lở hiện nay quá nhiều, ngân sách đang ưu tiên những khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân, các khu vực phúc lợi công cộng còn khu vực sản xuất thì vẫn phải chờ”, ông Bình cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn