Mới đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ “nhà khoa học nông dân” Nguyễn Văn Đoàn (63 tuổi, ở ấp Xương Thới, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Ở địa phương, lão nông này luôn đi đầu trong việc tìm tòi, đưa ra những sáng kiến mang lại hiệu quả trong sản xuất, giúp đỡ được nhiều bà con trong nghề.
Nhử kiến bắt sâu cho dừa
Lão nông Nguyễn Văn Đoàn có 3ha chỉ trồng chuyên canh cây dừa. Trước tình hình giá dừa bấp bênh, cách đây 5 năm, ông quyết định chuyển đổi sản xuất sang mô hình hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra.
Hiện bình quân mỗi năm vườn dừa cho sản lượng khoảng 52.000 trái, trừ chi phí ông Đoàn thu nhập trên 300 triệu đồng.
Theo ông, năng suất dừa hữu cơ không cao hơn dừa thường nhưng chất lượng cao hơn hẳn nên được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn từ 15 – 20% so với dừa thường. “Nếu giá dừa từ 50.000 đồng/chục (12 trái) thì doanh nghiệp cộng thêm 15%, còn ngược lại sẽ cộng thêm 20%”, ông nói.
Để canh tác dừa hữu cơ đạt hiệu quả, ông Đoàn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo khuyến cáo của doanh nghiệp. Để dừa không giảm năng suất khi chuyển sang hữu cơ, ở năm đầu tiên ông bón 1,5 bao phân hữu cơ cho mỗi gốc dừa. Sang đến năm thứ hai, ông mới giảm “liều lượng” còn 1 bao/gốc, mỗi năm ông bón 2 lần. Phân hữu cơ ông sử dụng là phân bò, dê ủ hoai mục bằng men vi sinh theo hướng dẫn của các nhà khoa học. Cùng với đó, ông còn ủ phân cá để bón thêm cho cây.
Trong quản lý sâu bệnh, để hạn chế sâu hại tấn công, ông nhử kiến vàng vào vườn và nuôi chúng để bảo vệ dừa. Cách nhử kiến của lão nông cũng hết sức độc đáo. Ông chia sẻ, khi phát hiện ổ kiến gần vườn thì kéo một sợi dây giăng vô vườn của mình, rồi treo thịt cá nhử kiến vào ăn. Trên cây dừa, ông làm sẵn cái tổ giả để cho kiến ở. Sau khi kiến vào làm tổ thì “cắt giao thông”. Những ngày sau, ông cũng cho kiến ăn thịt, cá để chúng ở cho quen chỗ, sau đó kiến tự kiếm mồi ăn. Với cách làm này, tổ kiến có xa 40 – 50m cũng làm được. Còn những tổ quá xa thì ông bắt bỏ vô túi mang về nuôi.
Sáng kiến bẻ càng tôm 3 giai đoạn
Nhờ canh tác dừa hữu cơ nên mương vườn cũng được ông Đoàn tận dụng để nuôi thêm tôm càng xanh toàn đực, giúp gia tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Hiện, ông nuôi tôm càng 3 giai đoạn công nghệ cao có bẻ càng ở cả 3 giai đoạn. Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực công nghệ cao có sự giúp đỡ kỹ thuật từ các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh.
Giai đoạn 1, khi tôm được 3 tháng tuổi phải tách tôm đực, tôm cái ra riêng và bấm càng tôm đực (bởi còn có khoảng 5% tôm cái lẫn trong con giống). Giai đoạn 2, khi tôm được khoảng 4,5 – 5 tháng tuổi, tiếp tục bấm càng. Đến khi tôm đạt khoảng 6,5 tháng 7 tháng, tiếp tục bấm càng lần 3. Với cách làm này, càng tôm ngắn lại, tôm đạt loại 1 nhiều hơn, bán được giá cao.
Ở giai đoạn 1, tôm được ông ương dưỡng trên bể cạn có mái che, sau đó mới đem thả xuống mương vườn. Cách làm này giúp quản lý tốt dịch bệnh, gia tăng tỷ lệ sống so với mô hình ương dưỡng dưới mương. Về thức ăn, ở giai đoạn này ông cho ăn thức ăn công nghiệp để tôm đủ dinh dưỡng, mau lớn. “Cái ao 124m2 tôi ương được 30.000 con giống, sau giai đoạn này tỷ lệ tôm đạt cao. Nếu ương dưới mương thì cần phải mua 40.000 con giống mới đủ, do đó mình tiết kiệm được bộn tiền mua con giống”, ông Đoàn cho biết.
Sang giai đoạn đưa tôm xuống mương vườn, mật độ thả con giống tùy theo tuổi cây dừa và diện tích mặt nước mương vườn. Nếu cây dừa lớn thì thả thưa khoảng 4 con/m2, cây còn nhỏ thì thả 5 con/m2. Để tiết kiệm chi phí, ông mua cá biển từ cảng về cắt nhỏ cho tôm ăn. Thỉnh thoảng ông phối trộn men tiêu hóa để tôm ít mắc bệnh. Ngoài ra, ông cũng rải men vi sinh làm sạch đáy ao nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Hiện nay, tôm do ông Đoàn nuôi nằm trong khu vực chứng nhận chỉ dẫn địa lý tôm càng xanh được bảo hộ của tỉnh Bến Tre. “Từ khâu xuống giống đến thu hoạch không dùng kháng sinh, tất cả đều thuần theo tự nhiên. Con tôm từ 10 – 12 ngày thuần nước tự nhiên, rồi thức ăn tự nhiên”, ông cho biết. Với phương pháp nuôi tôm càng như trên, giá bán tôm thương phẩm dao động từ 220.000 – 280.000 đồng/kg.
Được biết, kỹ thuật bẻ càng 3 giai đoạn được ông Đoàn tìm tòi áp dụng vào năm 2021. Kỹ thuật này cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao (tôm không lên càng sào, loại 1 nhiều, bán được giá, tỷ lệ sống cao do tôm hạn chế ăn thịt lẫn nhau) và đang được nhân rộng ra các huyện trong tỉnh Bến Tre cũng như các tỉnh bạn.
Hiện ông Đoàn là thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thới Thạnh. Hợp tác xã có 32 thành viên nuôi tôm trong mương dừa. Ngoài ra, ông cũng tham gia sinh hoạt tại Hội Nông dân xã Thới Thạnh, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú.
Mô hình trồng dừa hữu cơ kết hợp nuôi tôm giúp ông Nguyễn Văn Đoàn có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên/năm. Nhiều năm liền ông được vinh danh là nông dân sản xuất giỏi các cấp. Năm 2023, ông là một trong 18 cá nhân điển hình của Bến Tre được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
Theo Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đưa Bến Tre trở thành tỉnh có trình độ sản xuất hữu cơ trong khu vực và cả nước.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 11 – 13% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt từ 1 – 2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; phấn đấu đưa diện tích dừa sản xuất hữu cơ giai đoạn 2022 – 2025 đạt 20.000ha, đến năm 2030 đạt 30.000ha. Diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS giai đoạn 2022 – 2025 đạt 50ha, đến năm 2030 đạt 200ha.
Nguồn: nongnghiep.vn