Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị. Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh/thành phố có biên giới với Campuchia và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Đại diện Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03); Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05); Đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và nhiều cơ quan báo chí.
‘Chẳng có xe chở heo nào lọt qua biên giới mà không biết’
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng ngoạn mục. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại những khó khăn thách thức lớn trong cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.
Đặc biệt, sau Covid-19, đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn nhưng hiệu quả mang lại thấp khiến cho nhiều cơ sở chăn nuôi, các doanh nghiệp, bà con nông dân thua lỗ trong nhiều năm. Tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra.
Theo Phó Chánh thanh tra (Bộ NN-PTNT) Đào Văn Thanh, việc nhập lậu gia súc, gia cầm hiện vẫn rất cao, phức tạp, khó lường. Nguyên nhân chủ yếu do thời điểm cuối năm, trước, và sau tết Dương lịch, tết Nguyên đán, mùa Lễ hội tại các địa phương, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Mặt khác, tác động của thời tiết khí hậu diễn biến bất thường; giá sản phẩm động vật biến động ở các nước liền kề, sự chênh lệch giá lớn… là cơ hội để người kinh doanh, thương lái sẵn sàng bằng nhiều hình thức tiếp tay cho việc buôn lậu qua biên giới.
Ở góc độ địa phương, ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, trong năm 2023, địa phương phát hiện 5 vụ vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép vào tỉnh (17 con bò, 87 con heo; 840 con gia cầm).
Để thực hiện Chỉ thị số 29 của Chính phủ, An Giang đã tham mưu tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành liên quan kiểm soát chặt biên giới. Sở NN-PTNT An Giang đã ký kết quy chế phối hợp Công an tỉnh, do đó lực lượng PA04 thường xuyên phối hợp, nằm vùng tại các địa bàn trọng điểm. Các đầu nậu trước đây được giám sát chặt. Ngoài ra, kiểm soát kiểm tra kỹ gia súc, gia cầm nhập vào lò mổ, hộ nuôi, phải có giấy tờ của thú y và thú y là người chịu trách nhiệm với xác nhận của mình…
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, heo về cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh Long An đều có giấy tờ kiểm dịch thực vật “thật 100%, không phải giấy giả. Vậy có hay không đường dây làm giấy tờ này. Kiến nghị Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Công an làm 1 chuyên án lớn, có hay không chuyện làm giấy tờ kiểm dịch”, bà Khanh đề nghị.
Cũng theo bà Khanh, heo nhập lậu vào nội địa không phải chuyện dễ, buộc phải qua được lực lượng biên phòng.
“Chỉ cần đi chừng 5 phút là có biên phòng cảnh giới ngay. Như vậy, lực lượng biên phòng đã phát huy hết vai trò hay chưa. Kiến nghị Bộ sớm có cuộc họp liên ngành với các Bộ liên quan để đánh giá rõ vai trò của từng bên. Đồng thời, có giải pháp làm sao trao đổi thương mại cư dân biên giới ổn định. Bộ cũng sớm có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát giết mổ”, bà Khanh kiến nghị.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, Long An là 1 trong những địa phương đã nhận diện được tình hình, tái lập lại và đào tạo củng cố lực lượng chăn nuôi thú y.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, ngay khi phát hiện đường dây buôn lậu 8.000 con heo từ Campuchia có dấu hiệu chuyển qua địa phận Tây Ninh để nhập về giết mổ tại Bình Dương, lãnh đạo Sở đã trực tiếp ra quân.
“Đích thân tôi và 1 đồng chí Phó Giám đốc ban đêm chia 2 chặng để bắt xe sang Bình Dương và đã làm việc với tất cả các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, khi làm việc với các đơn vị thì, biên phòng nói chưa nhìn thấy; cảnh sát kinh tế thì nói không có chức năng ở biên giới nên phải chờ, mà vào đây bắt thì phải chứng minh được nó từ biên giới về. Quản lý thị trường thì bảo phải có cảnh sát giao thông vì không có chức năng chặn đường. Thú y thì bảo mỏng người quá, người đâu mà bắt…
Chẳng có xe chở heo nào lọt qua biên giới mà không biết được, trừ khi thiếu trách nhiệm hoặc ăn hối lộ. Nếu để heo lậu lọt qua địa bàn nào thì người đó chịu trách nhiệm vì bất cứ lý do gì. Giết mổ một con heo cũng phải qua thú y. 100 con heo giết mà không qua thú y thì vô lý”, ông Xuân nói và cho biết, nếu trạm thú y, huyện nào, xã nào của Tây Ninh để lọt heo lậu biên giới qua khu vực bị phát hiện đều liên đới chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong năm 2023, thống kê chưa đầy đủ của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của 13 tỉnh, thành phố, đã phối hợp với địa phương xử lý tổng số 176 vụ vi phạm với tổng số 53.100 quả trứng gia cầm, 450.663 con động vật, gần 118.000kg sản phẩm động vật nhập lậu, tăng 80 vụ so với năm 2022.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê bình các địa phương buông lỏng chống buôn lậu
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có công điện, văn bản chỉ đạo rất cụ thể về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật…; Bộ NN-PTNT cũng ban hành 18 công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố… hàng loạt các Luật, Nghị định, Thông tư, chiến lược đều đầy đủ. Nhưng, tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào nước ta vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành chăn nuôi, sức khỏe của người tiêu dùng và xuất khẩu.
Do đó, Thứ trưởng cho rằng, phòng chống buôn lậu là không thể buông lỏng, không thể thờ ơ, để người chăn nuôi một mình, mà phải đặt mình vào vai trò của người chăn nuôi, “để thấy xót khi mất nhà, mất xe, cầm sổ đỏ… vì heo lậu và để thấy trách nhiệm của mình”.
“Xe chở lợn chứ có phải cây kim đâu mà không biết. Lãnh đạo ngành nông nghiệp là phải biết lúc lên rừng, lúc xuống biển, lúc ra đảo, lúc vào chuồng lợn… không gì là không làm được, nếu chúng ta có ý thức chính trị, quyết tâm, yêu ngành yêu nghề, có trách nhiệm với nền nông nghiệp nói chung và với ngành chăn nuôi nói riêng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, Thứ trưởng Tiến yêu cầu các địa phương phải có vai trò chính, có trách nhiệm chính, không chờ Bộ, không chờ Chính phủ mà phải chủ động trong phòng chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn.
“Cần thiết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê bình các địa phương buông lỏng việc ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm”, Thứ trưởng Tiến nói và đánh giá cao lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã tiên phong, kiên cường, chủ động, lăn lộn đêm ngày để chặn buôn lậu heo.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, trong đó Thanh tra Bộ phải nắm tình hình, thanh tra đột xuất, đồng thời xem xét đề xuất thành lập Ban phòng chống buôn lậu để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thú y phải triển khai đề án chuyển đổi số để kết nối các cơ sở giết mổ, chăn nuôi…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh kịp thời tình hình buôn lậu heo qua biên giới. Thứ trưởng cũng đề nghị Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp C05 điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý một số vụ như ở Quảng Ninh những năm qua để có tính răn đe.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tình trạng heo nhập lậu qua biên giới vẫn phức tạp, nếu không quyết liệt ngăn chặn, việc này có thể đánh gục ngành chăn nuôi đang phải gồng lỗ suốt thời gian dài vừa qua. Do đó, ông Công kiến nghị Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp để nâng cao năng suất, giảm giá thành; kiểm soát chặt tại các tỉnh biên giới. Đặc biệt, kiểm soát chặt đầu vào và đầu ra đối với việc đưa thịt heo ra tiêu thụ ngoài thị trường.
Nguồn: nongnghiep.vn