
Xã Bình Long (Bình Sơn) là vùng trồng kiệu nổi tiếng nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.
Những ngày này, người dân ở xã Bình Long (huyện Bình Sơn), vùng trồng củ kiệu nổi tiếng nhất ở tỉnh Quảng Ngãi đang tất bật thu hoạch để bán Tết. Vụ này, được thời tiết ủng hộ nên cây kiệu ở đây phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, củ to đều và đạt năng suất cao. Thế nhưng, kết quả này cũng không làm cho các chủ ruộng vui mừng vì năm nay củ kiệu rớt giá thê thảm.
Cuối tháng 7 âm lịch, ông Phan Tấn Lợi (thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn) xuống giống trồng 1 sào kiệu. Nhờ được mùa, với diện tích này, gia đình ông dự tính thu được khoảng gần 1 tấn củ. Tuy nhiên, hiện nay mức giá củ kiệu đang được thương lái thu mua tại ruộng chỉ từ 7.000 – 8.000 đồng/kg nên tổng doanh thu cũng chỉ đủ bù cho tiền giống, phân bón, chưa tính công chăm sóc.
Đối với người dân ở thôn Long Yên, ngoài cây lúa thì cây kiệu chính là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con trong nhiều năm qua, hơn hẳn nhiều loại cây rau màu khác. Tại đây, kiệu được trồng trên vùng đất ở ngọn núi phía sau lưng thôn. Nơi này có địa thế cao ráo, thổ nhưỡng là đất thịt pha cát, vừa tận dụng được nước trời nên kiệu có mùi thơm nồng đặc trưng hơn hẳn kiệu các nơi khác.

Nhờ thời tiết thuận lợi, vụ kiệu Tết năm nay đạt năng suất cao hơn so với các năm trước. Ảnh: L.K.
Nhờ vậy, củ kiệu ở thôn Long Yên nói riêng và ở xã Bình Long nói chung thường có giá trị cao. Kiệu Bình Long cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, lấy tên là Kiệu Bình Long – Bình Sơn. Thông thường, vụ chính của cây kiệu Bình Long được trồng từ khoảng tháng 7 đến tháng 8 âm lịch nhằm cung ứng cho thị trường Tết.
Theo các hộ trồng kiệu, cùng kỳ những năm trước, thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 15 – 20 ngày, giá kiệu thường giao động ở mức từ 19.000 – 20.000 đồng/kg, đến giáp Tết giảm còn 12.000 đồng/kg. Còn năm nay, bà con hết sức lo lắng vì giá kiệu đầu vụ đã giảm đến quá nửa và có khả năng tiếp tục rớt giá, nguy cơ người trồng thất thu nặng.

Năm nay, giá kiệu thấp hơn nhiều so với các năm trước nên hầu hết các hộ trồng kiệu đều thất thu. Ảnh: L.K.
Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Long Yên, xã Bình Long) chia sẻ, năm nào, gia đình bà cũng trồng chờ vào hơn 2 sào kiệu để có tiền mua sắm Tết. Đến nay, thấy giá củ kiệu xuống quá thấp, bà cũng như những người dân trồng kiệu khác trong vùng ai cũng buồn. Giờ đây, mọi người cũng đành chấp nhận thu hoạch để bán để vớt lại vốn. “Xem như vụ này làm không công rồi chứ càng gần Tết giá củ kiệu càng giảm chứ không trông chờ gì”, bà Hồng rầu rĩ nói.
Theo ông Phạm Đình Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, trên địa bàn xã, thôn Long Yên là vùng trồng kiệu lớn nhất với hơn 20ha, ước tính năng suất đạt khoảng 16 tấn/ha. Về năng suất và sản lượng thì vụ kiệu năm nay cao hơn so với các năm. Củ kiệu tại Bình Long sau khi thu hoạch ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh thì thương lái còn chở đi tiêu thụ ở các tỉnh thành lân cận. Hiện nay, giá củ kiệu thấp hơn so với các năm là do kiệu các nơi cũng đang vào vụ thu hoạch và đưa về thị trường Quảng Ngãi, gần nhất là kiệu của Bình Định.
“Để nâng tầm sản phẩm đặc trưng của địa phương, kiệu Bình Long được UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa vào kế hoạch trong giai đoạn 2021 – 2025 nâng từ 3 sao lên 4 sao OCOP. Hiện tại, kiệu Bình Long đã có mã QR code, truy xuất mã vùng trồng, đang làm hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP. Khi là sản phẩm OCOP thì sẽ có chuỗi liên kết, giá cả ổn định và nâng cao được hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân”, ông Phạm Đình Dương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Long nói.
Nguồn: nongnghiep.vn