Các nước châu Phi học hỏi được nhiều điều từ Việt Nam
Tại Hội thảo “Đối thoại chính sách Việt Nam – Châu Phi: Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực” tổ chức tại Hậu Giang chiều ngày 12/12, ông Ông Oemar Idoe, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ (Đức) đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác Nam – Nam, những chia sẻ của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước châu Phi.
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam – Oemar Idoe cho biết, cá nhân ông rất vinh dự được tham dự Hội nghị và Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang diễn ra tại Hậu Giang.
Theo ông Oemar Idoe, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về sản xuất lúa gạo, có những những kinh nghiệm lớn về lĩnh vực này có thể chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Phi trong quan hệ hợp tác Nam – Nam. Đây là sự cần thiết bởi vai trò của Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất lúa gạo; các nước châu Phi học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác về phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực.
“Tôi xin nhấn mạnh một trong những hợp tác quan trọng đang diễn ra đó là sự hỗ trợ, chia sẻ các giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp xanh, phát thải thấp mà nông dân Việt Nam chia sẻ với nông dân các nước châu Phi. Trong hợp tác Nam – Nam, GIZ có hơn 30 quốc gia châu Phi cùng hợp tác để chia sẻ những bài học kinh nghiệm để hướng tới phát triển bền vững.
Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đóng góp cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, Việt Nam còn nhiều dư địa để chia sẻ với các quốc gia châu Phi. Chúng tôi tin tưởng vào Việt Nam, đặc biệt sáng ngày hôm nay (12/12), Đề án 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã được phát động, triển khai thực hiện”, ông Oemar Idoe cho biết.
Hợp tác trọng tâm về giáo dục, dạy nghề, nông nghiệp
Theo Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ, nước Đức có mỗi quan hệ lâu dài với Việt Nam về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, giáo dục, dạy nghề, nông nghiệp…, trong đó thích ứng và giảm thiếu BĐKH luôn là ưu tiên hàng đầu.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long – khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu, từ năm 2020, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng hợp tác nhằm triển khai hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài; hợp tác tài trợ của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức, môt dự án thiết lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam).
Dự án được GIZ hỗ trợ về sản xuất chuỗi giá trị lúa gạo và xoài được thực hiện tại 6 địa phương (An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ) từ năm 2020 – 2024. Theo đó, GIZ sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, nâng cao thu nhập từ 15 – 20%; đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường cho 12.000 nông hộ.
Mục tiêu của dự án nhằm cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động biến đổi khí hậu của 2 chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cung cấp các giải pháp kỹ thuật và tổ chức trong sản xuất, chế biến và tiếp thị, phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó có thể kể tới việc thúc đẩy các giống lúa có nhu cầu cao, các tiêu chuẩn nông nghiệp cải tiến, tuân thủ an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng, cung cấp dịch vụ cho các nông hộ nhỏ theo định hướng kinh doanh.
Dự án cũng triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và tái chế rơm rạ và trấu; các đổi mới sáng tạo bao gồm cải thiện quản lý vườn cây ăn quả và sức khỏe cây trồng, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Nguồn: nongnghiep.vn