Chợ chuối như chợ…hàng hoa
Từ sáng sớm tinh mơ, khắp các ngả đường nối từ các xã Lìa, Thuận, Thanh, Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo… của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, từng đoàn xe máy cà tàng nối đua nhau chở chuối ra chợ Tân Long (xã Tân Long) nằm bên QL9 để bán. Có những xe chở chuối của người dân huyện Hướng Hóa trồng tận bên nước bạn Lào cũng vượt đường sông, hàng chục km đường bộ tập trung về chợ Tân Long. Chợ Tân Long vì thế, ngày thường tấp nập; kẻ bán đông hơn người mua.
Chợ chuối Tân Long nằm sát QL9, thường họp từ lúc sáng sớm, đến khoảng 10-11 giờ sáng thì tan hẳn. Lúc này chỉ còn những chiếc xe tải đã ăn no hàng đủng đỉnh rời chợ, xuôi theo Quốc lộ 9 để đi các tỉnh bạn tiêu thụ. Có chợ nhưng người bán chuối thường dừng đỗ xe ngay cạnh đường, cạnh QL9, nơi có các điểm thu mua chuối để tiện mua – bán.
Xe bán chuối được cải tạo hoặc lắp thêm dàn phía sau để chở cùng lúc 7-8 buồng chuối. Phía trước, ngoài lái xe còn chở thêm 1 người. Tầm 8-9 giờ sáng là thời điểm chợ chuối Tân Long nhộn nhịp nhất, xe máy chở chuối tràn ra cả lòng đường gây khó khăn cho phương tiện giao thông qua lại. Lực lượng cảnh sát giao thông phải thường xuyên nhắc nhở người dân.
Được biết, để giải quyết tình trạng chợ chuối buôn bán tại khu vực QL9 như lâu nay, mới đây Dự án xây dựng chợ chuối Tân Long có tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Chợ mới cách chợ cũ chừng 500 m, tại điểm giao nhau của nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, rất thuận tiện cho việc trao đổi, mua bán chuối của người dân. Dự kiến, đến năm 2025, chợ chuối Tân Long mới sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu hiện nay của người dân.
Với người trồng chuối, ngày rằm, mùng 1 hàng tháng là dịp để những “nàng hậu” chuối phục vụ các thượng đế mua về cúng lễ. Những buồng chuối đẹp, từ 6-8 nải, quả to, mẩy, không dị tật, không bị xây xát, chín bói bán đúng các dịp lễ thường được giá cao; các chủ vườn có thể thu về 300-400 nghìn đồng/buồng. Còn ngày thường, chuối mật mốc lại bán với giá chỉ từ 3-5 nghìn đồng/kg. Vì vậy, người trồng chuối mật mốc tại huyện Hướng Hóa thường chọn những buồng chuối có quả mọc đều, bọc nilon cẩn thận tránh các loài sâu bọ tấn công để bán vào các dịp lễ và giáp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trời không phải lúc nào cũng chiều lòng người.
Sáng nay, ông Hồ Văn Nam, tại xã Thuận chở 8 buồng chuối đẹp ra chợ chuối Tân Long bán. Phía trước chiếc xe máy cà tàng, ông chở thêm đứa con trai. Tưởng đâu, khi bán chuối xong ông Nam sẽ sắm quần áo mới cho con đón Tết. Nhưng hai cha con ngồi đến gần trưa mà những buồng chuối đẹp cũng chỉ có vài khách đến hỏi mua với giá “bán ngang” 3,5 nghìn đồng/kg. Buồn chẳng muốn bán, ông Nam định chở đứa con cùng mấy buồng chuối quay về…
“Chuối đẹp thế này mà mua với giá đó thì không bán được. Nhưng không bán thì không có tiền sắm quần áo đẹp cho con đón Tết” – ông Nam nhìn đứa con buồn nẫu ruột.
Ngồi mãi không thấy người hỏi mua, nhìn bộ quần áo nhàu bẩn của đứa con với ánh mắt cầu khẩn, ông Nam đành quay xe tiến đến một điểm thu mua cạnh QL9 và quyết định bán để sắm quần áo mới cho con rồi nhanh chóng trở về nhà.
Chủ một đầu nậu thu mua tại chợ Tân Long cho hay, trước rằm tháng Chạp năm nay, mỗi buồng chuối đẹp cũng được thu mua với giá 200-300 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau ngày lễ, giá chuối lại trở về mốc 3-3,5 nghìn đồng/kg. Điều này không lạ ở chợ chuối vùng biên Tân Long. Chuối cũng giống như hàng hoa vậy, lúc thì giá cao chót vót nhưng có lúc cũng rẻ như cho.
“Chuối mật mốc ở đây thì không bao giờ ế hàng cả, có bao nhiêu chúng tôi mua bấy nhiêu chỉ là giá cả lúc lên lúc xuống thôi. Chúng tôi cũng phải theo giá cả thị trường chứ không thể thu mua cao hơn cho bà con được” – chủ đầu nậu này cho hay.
Năm nay, khách sắm Tết muộn…
Các chủ đầu nậu thu mua chuối mật mốc tại chợ Tân Long cho biết, giá chuối nguyên liệu năm nay cao hơn thời điểm này năm trước 300-500 đồng/kg. Tuy nhiên, điều người trồng chuối mong ngóng nhất bây giờ là những buồng chuối đẹp được khách hàng săn đón với giá cao để có thêm tiền mua sắm tết.
Những năm trước khách lẻ và các đầu nậu thường thu mua chuối đẹp ngay sau rằm tháng Chạp. Tuy nhiên, năm nay, đã đến ngày 20 tháng Chạp nhưng các đầu nậu vẫn chủ yếu thu mua chuối mật mốc làm nguyên liệu chế biến. Giá chuối mua xô tại chợ Tân Long những ngày này chỉ dao động từ 3-3,5 nghìn đồng/kg. Chuối đem ra chợ không ế nhưng vẫn bán với giá ngày thường khiến người trồng chuối lo lắng.
Vào dịp sát Tết Nguyên Đán Quý Mão (2023), ngoài bán chuối nguyên liệu, sau rằm tháng Chạp, ông Hồ Văn Khe, xã Thanh đã cắt chuối đẹp ra chợ bán. Chuối đẹp đem ra chợ, khách giành nhau mua, có buồng lên đến vài triệu đồng. Đến sáng 30 tháng Chạp thì vườn chuối 2ha của gia đình ông bán hết nhẵn. Với 15 triệu đồng từ bán các buồng chuối đẹp, gia đình ông có một cái Tết ấm.
Thế nhưng, năm nay, khách hỏi mua chuối đẹp vắng hẳn. Chuối đẹp đã lỡ chặt nhưng phải bán với giá chuối nguyên liệu khiến ông Khe lo lắng. Chiếc xe máy cà tàng của ông Khe chở 2-3 tạ chuối mật mốc nhưng tan buổi chợ chỉ thu về 700-800 nghìn đồng. Cái Tết đối với gia đình ông trở nên xa vời. Năm nay, gia đình ông mất Tết như chơi!
“Cứ 3-4 ngày tôi lại chở chuối ra chợ bán. Cứ tưởng dịp này, chuối đẹp sẽ được khách mua về cúng Tết nhưng không hiểu vì sao năm nay ít khách mua quá! Cái ăn thì không đến mức thiếu thốn nhưng năm nay chưa biết nhìn vào đâu để sắm quần áo cho mấy đứa con đón Tết” – ông Khe buồn rười rượi.
Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long cũng xác nhận, năm nay, đầu nậu vẫn thu mua chuối nguyên liệu như ngày thường nhưng khách mua sắm chuối cúng ngày lễ dịp cận Tết Nguyên đán giảm hẳn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người trồng chuối vì đa phần đồng bào PaKô Vân Kiều ở vùng đất này lâu nay sống chủ yếu dựa vào cây chuối.
“Chuối mật mốc Quảng Trị chủ yếu tập trung ở các xã vùng lìa. Mặc dù cây chuối không được chăm bón tốt như những nơi khác nhưng quả chuối rất đẹp mã và chất lượng nên dịp này hàng năm thường có nhiều đậu nậu thu mua chuối đẹp đi các vùng khác bán. Có thể năm nay kinh tế khó khăn nên người mua giảm hoặc phải sau 25 tháng Chạp mới có nhiều khách mua. Nếu ở đây có những nhà máy đủ lớn để thu mua chuối với giá cao thì cuộc sống người trồng chuối sẽ bớt khó khăn”- ông Cương cho hay.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, toàn huyện có khoảng 3 nghìn ha chuối mật mốc, trong đó có 2,9 nghìn ha thời kỳ kinh doanh, sản lượng 42 nghìn tấn quả/năm. Chuối được trồng ở khắp nơi trên vùng đất này và từ lâu đã gắn liền với cuộc sống người dân. Tuy nhiên, dù đã được cấp 9 mã số vùng trồng nhưng do thiếu cơ sở đóng gói đạt chuẩn, chất lượng sản phẩm chưa như kỳ vọng, chuối mật mốc Quảng Trị chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá trị kinh tế thấp. Trên địa bàn huyện hiện cũng chỉ có 3 đơn vị thu mua chuối để chế biến thành chuối sấy khô, sấy giẻo nhưng sản lượng thu mua chỉ khoảng trên 100 tấn chuối quả/năm.
Đây là những lý do khiến diện tích chuối hiện nay trên địa bàn huyện đang có xu hướng giảm so với những năm trước. Điều này khiến mục tiêu có 4 nghìn ha chuối mật mốc vào năm 2030 của huyện Hướng Hóa đứng trước nhiều thách thức.
Buồng chuối đẹp có khi giá trị bằng cả vườn chuối
“Bình thường, người trồng chuối cũng chỉ đủ ăn. Quan trọng là ngày lễ mùng một, rằm, chuối thờ cúng mới được bán với giá cao. Dịp Tết Nguyên đán mà có 5-7 buồng chuối đẹp có khi bằng trồng một vườn chuối bán cả năm. Vì vậy, người trồng chuối chỉ chờ và hi vọng nhất vào dịp Tết Nguyên đán để kiếm thêm thu nhập. Năm ngoái, dịp này đã có những buồng chuối được hỏi mua với giá vài triệu đồng. Sau ngày 25 tháng Chạp, có buồng chuối còn bán được hơn 4,5 triệu đồng” – ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long.
Nguồn: nongnghiep.vn