Tại Hậu Giang, trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam năm 2023, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức Lễ phát động triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Đề án có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới
Đề án do Bộ NN-PTNT chủ trì, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kết quả đến năm 2030 của đề án, là: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu ha; giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững và có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống, giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%.
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nói: “Với khẩu hiệu “Gạo xanh, Sống lành”, những năm gần đây gạo Việt liên tiếp được vinh danh trên trường quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu long chiếm trên 50% diện tích trồng lúa và 95% lượng xuất khẩu gạo của cả nước, bảo đảm việc làm và cuộc sống cho hàng triệu người.
Trong bối cảnh 3 chuyển biến lớn đang tác động đến sản xuất và xuất khẩu gạo, sản xuất gạo càng phải chú trọng tăng trưởng xanh, giảm phát thải.
Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đời sống của người trồng lúa. Đây là vấn đề cốt lõi cho sản xuất nông nghiệp”.
Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, nguyên bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: “IRRI nhiệt liệt hoan nghênh Việt Nam triển khai đề án một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo dạng này. IRRI rất vinh dự được chọn làm tư vấn và sẽ thực hiện tối đa khả năng của mình cho đề án này của Việt Nam”.
Bà Carolyn Tuck, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam rất tâm đắc với dự án, bà nói: “Khi giảm 25% chi phí, cũng tức là hiệu quả sản xuất lúa tăng lên 10% và lợi nhuận là hơn 30%; nhưng phải đặt người trồng lúa, người nông dân nói chung vào trung tâm, vì lợi ích tối thượng của người nông dân. Ngân hàng Thế giới sẽ đồng hành với Bộ NN-PTNT Việt Nam thực hiện đề án, hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế, cho đời sống người nông dân Việt Nam.”
Bình Điền đóng góp ý tưởng cho ra đời Đề án
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, chia sẻ: “Từ khóa của đề án là giảm phát thải, giảm chi phí, tăng trưởng xanh, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Chương trình Canh tác lúa thông minh của Bình Điền được thực hiện hơn 6 năm qua tại đồng bằng sông Cửu Long, cùng với một số chương trình khác đã cung cấp ý tưởng cho việc ra đời đề án một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp… của Bộ”.
Theo ông Phan Văn Tâm, Phó TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền, từ năm 2016- 2022, Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, với gần 500 mô hình đều giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận.
Chương trình áp dụng quy trình canh tác mở, liên tục cập nhật các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật, trang thiết bị cơ giới và công nghệ hiện đại, được áp dụng một cách thông minh, phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ, như: chuẩn bị đất, gieo sạ áp dụng máy sạ cụm chỉ từ 50 đến 60 kg lúa giống/ha; quản lý dịch hại theo IPM, IPHM; sử dụng phân bón Đầu Trâu chuyên dùng với lượng bón giảm 30%; quản lý nước theo kỹ thuật ướt khô xen kẽ; thu hoạch đúng độ chín.
Kết quả chi phí sản xuất giảm từ 1 đến 2,5 triệu đồng/ha, năng suất lúa tăng từ 500kg đến 1000 kg/ha, lợi nhuận của người trồng lúa tăng thêm hơn 2 triệu đồng/ha so với đối chứng…
Quy trình canh tác lúa tổng hợp của mô hình Canh tác lúa thông minh của Bình Điền đã được Cục Trồng trọt công nhận là Tiến bộ kỹ thuật- tháng 4/2023.
Năm 2023 Bình Điền tiếp tục làm mô hình Canh tác lúa thông minh tại 6 tỉnh với diện tích 200ha, trong đó, Bình Điền thực hiện việc thử nghiệm, trình diễn sản phẩm phân bón mới theo hướng tiết kiệm, thân thiện với môi trường, đó là bộ sản phẩm Đầu Trâu Bio, với hệ vi sinh vật có lợi, bao gồm vi sinh vật phân giải xenlulose, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân cùng các nguyên tố đa, trung, vi lượng hữu dụng.
Sử dụng Đầu Trâu Bio – Canxi để bón lót nhằm tăng độ pH và phân hủy rơm rạ, kết hợp với bón vùi phân chuyên dùng Đầu Trâu Bio lúa 1 giảm được 30% lượng bón và 1 lần bón thúc, nhưng vẫn bảo đảm năng suất lúa, từ đó tăng lợi nhuận cho nông dân.
Từ vụ đông xuân 2023-2024 Bình Điền nhân rộng mô hình ra các tỉnh Tây Ninh, Bình Định, cũng như tại nước bạn Campuchia.
Ông Ngô Văn Đông, TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền, nói: “Là người bạn đồng hành của bà con nông dân, Bình Điền luôn trăn trở, tìm tòi, đưa đến ruộng vườn những sản phẩm phân bón chất lượng cao, đáp ứng đúng yêu cầu thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp… mà Bộ NN-PTNT đã triển khai thực hiện tại đồng bằng sông Cửu Long”.
Nguồn: nongnghiep.vn