Đáp ứng nguồn nước cho sản xuất và dân sinh
Sáng 3/2, tại nhà điều hành cống Cái Lớn (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL do đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý.
Dự hội nghị có Chi cục Thủy lợi các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long; lãnh đạo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển…
Ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam) cho biết, đơn vị được Bộ NN-PTNT giao quản lý, vận hành các công trình thủy lợi tại vùng ĐBSCL gồm: Cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô thuộc hệ thống thủy lợi (HTTL) Cái Lớn – Cái Bé; cống âu thuyền Ninh Quới thuộc HTTL Quản Lộ – Phụng Hiệp; cống Vũng Liêm thuộc HTTL Nam Măng Thít.
Địa bàn hưởng lợi các công trình thủy lợi này thuộc 7 tỉnh vùng ĐBSCL gồm: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau (HTTL Cái Lớn – Cái Bé, HTTL Quản Lộ – Phụng Hiệp), Trà Vinh và Vĩnh Long (HTTL Nam Măng Thít).
Trong năm 2023, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam đã ban hành 16 kế hoạch vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô và tổ chức 3 đợt vận hành diễn tập (trong tháng 5, tháng 9 và tháng 12) nhằm ứng phó với thiên tai và sự cố công trình tại cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và cống âu thuyền Xẻo Rô.
Đối với cống âu thuyền Ninh Quới, Công ty đã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, Sóc Trăng trong vận hành và các công trình do địa phương quản lý thuộc hệ thống Quản Lộ – Phụng Hiệp; thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn, kiểm soát mặn, giữ ngọt và hỗ trợ tiêu úng cho vùng sản xuất ngọt ổn định của hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Đối với cống Vũng Liêm, Công ty đã phối hợp với Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh vận hành công trình cung cấp nước tưới, tiêu, ngăn mặn, ngăn triều cường phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế của hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.
Kết quả sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh vùng hưởng lợi: Tổng diện tích sản xuất các vụ lúa trong năm 2023 là 708.942ha, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 4,5 triệu tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 302.000ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 275.000 tấn, trong đó riêng diện tích nuôi tôm khoảng 166.000ha, sản lượn 99.000 tấn.
Phối hợp vận hành hiệu quả công trình
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự báo tình hình nguồn nước, chất lượng nước, diễn biến xâm nhập mặn vùng ĐBSCL. Đồng thời thảo luận, đề xuất các phương án vận hành và điều tiết nguồn nước phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái El Nino tiếp tục duy trì đến tháng 2/2024 với xác suất 85 – 95%. Dự báo mưa khu vực Nam bộ, tổng lượng mưa tháng 12/2023 phổ biến ở mức thấp hơn từ 10 – 20% so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa trong tháng 1 – 2/2024 có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa trong thời kỳ này.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, dự báo xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm 2024 tuy cao hơn mùa khô năm 2023 và trung bình nhiều năm, nhưng không khắc nghiệt như cùng kỳ các năm 2020 và 2016. Tuy nhiên, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ và có các giải pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn một cách hiệu quả.
Dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023 – 2024 thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực. Đáng chú ý, các hồ thượng nguồn khả năng kéo dài thời gian tích nước đến cuối năm 2023, giai đoạn đầu mùa khô từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024 có thể xả nước hạn chế. Vì vậy, dòng chảy kiệt thấp, làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm. Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương năm 2015 – 2016, 2019 – 2020.
Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang cho biết, theo tính toán, nguồn nước từ thượng nguồn về ĐBSCL dự báo thấp hơn khoảng 8% so với trung bình nhiều năm. Ngoài thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn thì hoạt động của gió mùa Đông Bắc thổi mạnh sẽ đẩy nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào nội đồng.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam: “Trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2023 – 2024, căn cứ quy trình vận hành các HTTL Cái Lớn – Cái Bé, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, kế hoạch sản xuất, khung thời vụ, tiến độ sản xuất của các tỉnh, diễn biến nguồn nước, chất lượng nước khu vực các hệ thống, Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với sở NN-PTNT các địa phương và các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở, các đơn vị khai thác thủy lợi các tỉnh xây dựng kế hoạch vận hành sát với thực tế, đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh, kinh tế vùng dự án, góp phần vào hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế – xã hội các tỉnh”.
Nguồn: nongnghiep.vn