Nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sản lượng các loại trái cây chủ lực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, xoài đạt 629.000 tấn, cam 519.000 tấn, nhãn 200.000 tấn, sầu riêng 488.000 tấn, dừa 1,043 triệu tấn. Thanh long giảm nhẹ, ở mức 581.000 tấn.
Trong tháng 8, một số mặt hàng sẽ bước vào kỳ thu hoạch rộ. Tiêu biểu có sầu riêng, dự kiến sản lượng tăng mạnh ở Đắk Lắk 31.000 tấn, Lâm Đồng 15.000 tấn. Ngoài ra, xoài tại Sơn La ước khoảng 28.000 tấn, Khánh Hòa 9.000 tấn, Bình Thuận khoảng 5.000 tấn.
Nhãn tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang kỳ chính vụ. Cụ thể, Vĩnh Long 8.000 tấn, Đồng Tháp 8.000 tấn, Tiền Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng cùng khoảng 4.500 tấn. Cùng với đó, Sơn La dự kiến thu hoạch 10.000 tấn.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới do nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng.
Sự bùng nổ của xuất khẩu trái cây phản ánh rõ nét qua sản phẩm sầu riêng. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thống kê, tại các kho thu mua sầu riêng ở Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước và Tiền Giang, giá thu mua liên tục tăng từ đầu tháng 7 do Trung Quốc tăng mua. Để mua đủ hàng, thương lái tại các khu vực này đã liên tục điều chỉnh giá.
Thêm vào đó, một số thị trường khác như Nhật Bản, Hong Kong, Australia, Đài Loan cũng tăng mua sầu riêng Việt khiến giá mặt hàng này chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cũng góp phần đẩy giá sầu riêng đi lên.
6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Nếu giữ nguyên tốc độ này, loại trái cây chủ lực của Tây Nguyên và Đông Nam bộ có thể cán mốc 3 tỷ USD, góp phần giúp trái cây lập kỷ lục xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2024.
Đặc biệt, nếu Việt Nam có thể ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc trong năm, giá trị xuất khẩu của toàn ngành hàng được Cục dự báo có thể thêm 500 triệu USD nữa.
Nhận diện rõ sản phẩm thế mạnh
Đà tăng của xuất khẩu trái cây thực tế đã bắt nguồn từ năm ngoái. Điểm nhấn chính là sự xuất hiện của sầu riêng và một số sản phẩm giàu tiềm năng như xoài, bưởi và chanh leo. Trong số này, xoài (cụ thể là xoài Cát Chu) đã được nhiều thị trường khó tính đón nhận và ưa chuộng. Bưởi có nhiều dư địa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, còn chanh leo đang phát triển nhanh, tập trung tại khu vực Tây Nguyên, nhằm chớp thời cơ ngay khi có nghị định thư.
Sau khoảng 2 năm khảo sát tại các vùng nguyên liệu, dựa trên sự giúp đỡ của Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng (GQSP), bà Đinh Thị Tám, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đánh giá, sản phẩm xoài tươi hiện tăng trưởng ổn định tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia. Đặc biệt, cơ hội mở rộng thị trường tại Hàn Quốc và Australia rất lớn, dựa trên nhu cầu của bộ phận đông đảo cộng đồng Việt kiều nơi đây.
Hiện giá trị xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt khoảng gần 400 triệu USD/năm. Với giá trị của thị trường chế biến xoài toàn cầu hiện gần 20 tỷ USD, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao giá trị cho ngành hàng, nếu đa dạng hóa được dòng sản phẩm như đông lạnh, xay nhuyễn, đóng hộp, cô đặc.
Cùng với cam, chanh, bưởi góp phần hình thành nhiều thủ phủ cây có múi lớn trên khắp cả nước. Tuy nhiên, chất lượng là yếu tố sống còn với bưởi xuất khẩu, bởi trong số các thị trường truyền thống, Trung Quốc là địa chỉ duy nhất tăng nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua. Chưa kể, bưởi nước ta còn vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan.
Chanh leo là một sản phẩm tương đối mới, được một số tỉnh như Gia Lai xem là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bà Tám cho rằng việc kiểm soát chất lượng giống, cũng như thích nghi với từng tiểu vùng sinh thái của chanh leo và các loại cây ăn quả khác vẫn là một thách thức.
Trên cơ sở nhận diện rõ thực trạng, lãnh đạo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đề xuất phát triển cây ăn quả tại những “vùng đất mới”, chẳng hạn Tây Nguyên. Với đất đai màu mỡ, diện tích rộng, thích hợp nhiều loại cây trồng, Tây Nguyên từng bước trở mình thành một vựa cây ăn quả lớn của cả nước.
Viện đang dành nguồn lực nghiên cứu khu vực này, cụ thể là ở Đắk Lắk, Đắk Nông, nhằm nâng cao hơn nữa sản lượng, chất lượng các loại cây ăn quả.
Xu thế tăng trưởng xanh
Vui mừng trước kết quả đáng khích lệ của trái cây, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định, càng tham gia sâu rộng vào hội nhập quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu càng phải phát huy được vai trò của mình.
“Việt Nam đã tham gia 19 FTA, hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng cần chuẩn bị tâm thế vững vàng trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, nhất là các hàng rào kỹ thuật”, ông Hòa nói và khuyến nghị doanh nghiệp thêm việc liên tục cập nhật, đổi mới hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề liên quan đến quy trình, vận hành các cơ sở sơ chế, chế chế biến.
Theo xu hướng chung, toàn cầu đang tiến tới phát triển xanh, phát triển bền vững, bên cạnh yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh, an toàn thực phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải lưu tâm hơn về môi trường, xã hội, hay nhân công lao động.
Những nội dung này mới chỉ rõ nét ở một vài thị trường khó tính nhưng đang hòa quyện lại ở các thị trường mà Việt Nam từng coi là dễ tính, và trở thành một hàng rào mới về kỹ thuật. Nếu không bắt kịp xu thế, doanh nghiệp có thể vấp phải rủi ro về chi phí, uy tín, thương hiệu, thậm chí ảnh hưởng đến cả chuỗi giá trị ngành hàng.
Vấn đề này từng được quan tâm và triển khai trên sản phẩm thanh long, thông qua hệ thống truy xuất “dấu chân carbon” tại tỉnh Bình Thuận. Thông qua mã QR được gắn trên từng quả thanh long, người tiêu dùng sẽ biết được lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất, chất lượng của từng sản phẩm.
Ở đó, vết carbon sản phẩm là lượng khí thải nhà kính (tính bằng CO2) được xác định trên toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Chỉ số này sẽ cho người tiêu dùng biết, sản phẩm họ mua có thực sự “xanh” hay không. Lượng phát thải khí nhà kính càng thấp chứng tỏ sản phẩm càng thân thiện hơn với môi trường, và càng dễ thâm nhập vào các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Đồng tình với nhận định sản xuất theo hướng “xanh hóa” sẽ khiến doanh nghiệp mất thời gian thích nghi, nhưng ông Lê Thanh Hòa cũng cho rằng đây là xu thế không thể đảo ngược. Ngay từ bây giờ, trong niềm vui xuất khẩu trái cây có thể cán mốc 7 tỷ USD trong năm 2024, ngành hàng đã phải đặt ra vấn đề kiện toàn hệ thống sản xuất theo tín hiệu tương lai của thị trường.
Nguồn: nongnghiep.vn