Vạn sự khởi đầu nan
Cách đây 40 năm, Công ty Cao su Chư Sê được thành lập trên vùng đất huyện Chư Sê (Gia Lai) với mục tiêu chuyển hướng phát triển cao su từ miền Đông Nam bộ lên Tây Nguyên. Mục tiêu chủ yếu là để xây dựng kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số; thứ đến là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đất mà trước đây từng là chiến trường ác liệt phải gánh chịu nhiều hậu quả do chiến tranh để lại.
Người mới, đất mới và những thách thức mới. Phát triển cây cao su trên vùng đất này là cả vấn đề. Khó khăn ban đầu là vùng đất đỏ bazan này ẩn chứa nhiều nguy hiểm của bom đạn do chiến tranh để lại. Các buôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số rất hoang sơ. Thêm vào đó, những cơn sốt rét nơi rừng thiêng nước độc luôn đe dọa làm nản lòng người mới.
Thế nhưng cán bộ, công nhân của Công ty vẫn bám trụ bắt tay làm vườn ươm cao su, chuẩn bị cây giống cho mùa trồng mới. Dồn tâm huyết, công sức, trí tuệ và sự miệt mài của những bàn tay lao động, đến nay, một vùng đồi núi vốn “rách bươm” với những dấu tích chiến tranh giờ đã hình thành những cánh rừng cao su bát ngát. Cây cao su đã mang đến cho người dân địa phương một nghề mới. Nghề trồng và khai thác mủ cao su đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư của địa phương.
Kết quả có được ngày hôm nay, cán bộ, nhân viên và người lao động Công ty không phải chỉ đổ mồ hồi, hao tốn công sức mà còn cả sinh mệnh con người. Bom mìn, tai nạn và bệnh tật đã cướp đi cuộc sống của một số đồng nghiệp để mảnh đất này có được màu xanh cao su hôm nay.
Tập thể lãnh đạo Công ty Cao su Chư Sê ngay từ đầu đã xác định, muốn tồn tại và phát triển phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương các cấp; tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng cục Cao su và Công ty Cao su Dầu Tiếng. Nhưng trước mắt, tập thể Công ty Cao su Chư Sê phải tự thân vận động, đoàn kết trên dưới một lòng vì vườn cây cao su, vì đời sống người lao động.
Với công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, đây quả là gánh nặng cho Công ty, vì hướng dẫn công nhân người kinh đã khó, chỉ bảo cho công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó gấp vạn lần. Bởi, lâu nay bà con chỉ quen gieo trỉa cây lúa, cây ngô, trồng quả bí, quả bầu; trình độ kỹ thuật hầu như bằng không, phương thức canh tác lạc hậu, nay chuyển sang trồng cây cao su đòi hỏi kỹ thuật cao, quả là điều nan giải, phải cầm tay chỉ việc để họ thuần thục”.
Dồn nỗ lực cho chặng đường phía trước
Thế nhưng, bằng kinh nghiệm từ Công ty Cao su Dầu Tiếng và tuân thủ quy trình kỹ thuật của Tổng cục Cao su, với phương châm “thâm canh ngay từ đầu”, Công ty Cao su Chư Sê đã có vườn cây cao su tốt nhất.
Khi vườn cây cao su vừa hình thành, mặt hàng cao su bỗng mất thị trường và nguồn vốn hợp tác của Liên bang Xô Viết. Trước bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, giám đốc Công ty Cao su Chư Sê khi ấy là ông Nguyễn Quốc Khánh đã nỗ lực tìm giải pháp ổn định tình hình, động viên anh chị em kiên trì bám trụ, tìm mọi giải pháp chăm sóc diện tích cao su đã trồng, chung lưng đấu cật cùng chia sẻ khó khăn để vượt qua.
Bước sang thời kỳ đổi mới, Công ty Cao su Chư Sê không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, chủ động xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Công ty đề xuất mục tiêu và các giải pháp đầu tư phát triển cho từng thời điểm, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng. Chủ động thay đổi phương thức tổ chức, quản lý, sắp xếp lại sản xuất, ưu tiên đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra, Công ty còn chủ động nghiên cứu, cải tiến mô hình tổ chức quản lý, sắp xếp lại quy mô nông trường-đội-tổ để mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống cho người lao động.
Qua quá trình phấn đấu bền bỉ vượt lên muôn vàn khó khăn của tập thể cán bộ, nhân viên và người lao động giai đoạn 1984-2000, Công ty Cao su Chư Sê được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể, cán bộ công nhân viên Công ty vào năm 2000 .
Giai đoạn 2000-2015, Công ty Cao su Chư Sê sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thuận lợi xen lẫn khó khăn. Thế nhưng nhờ sự đoàn kết, biết phát huy nội lực, thế mạnh của đơn vị, khắc phục khó khăn hạn chế, Công ty đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Từ năm 2015 đến nay, Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Thị trường tiêu thụ cao su liên tục giảm do cung vượt cầu, sự biến đổi về thời tiết khí hậu khắc nghiệt dẫn tới nắng hạn kéo dài, mưa bão, gió lốc bất thường xảy ra, vườn cây khai thác đang chuyển dần đưa vào thanh lý tái canh. Trước những khó khăn trên, Đảng bộ Công ty đã kịp thời ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, tìm biện pháp khắc phục, từng bước tháo gỡ khó khăn.
Những khó khăn như vườn cây đang vào chu kỳ thanh lý tái canh cho năng suất, sản lượng thấp; thị trường tiêu thụ khó khăn, giá bán mủ thấp từng bước được tháo gỡ.
Đến nay, Công ty đang quản lý 7.535 ha cao su với 977 cán bộ và người lao động. Trong đó, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số có 612 người, chiếm 62,70%; lao động nữ 620 người, chiếm 63,53%. Công ty có 8 đơn vị phụ thuộc, gồm: 5 Nông trường cao su; 1 Xí nghiệp Cơ khí- Chế biến; 1 Trung tâm Y tế và 1 Khu công nghiệp. Công ty đầu tư góp vốn vào: Công ty Cổ phần cao su Chư Sê-Kampong Thom; Công ty Cổ phần VRG Bảo Lộc.
“Trong thời gian tới, Công ty tập trung tăng cường đầu tư chiều sâu, thâm canh vườn cây để nâng cao năng suất, sản lượng; chấn chỉnh công tác quản lý khai thác từ vườn cây đến nhà máy chế biến; quản lý bộ máy và môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO; tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác và chế biến, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn