Ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh Quảng Trị ra Nghị quyết số 160/2021/NQ-HĐND, quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Nghị quyết cũng quy định các vùng được phép nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, mức hỗ trợ di dời đối với chăn nuôi quy mô nông hộ là 4 triệu đồng/hộ; trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ 6 triệu đồng/trang trại; trang trại chăn nuôi quy mô vừa 10 triệu đồng/trang trại; trang trại chăn nuôi quy mô lớn 15 triệu đồng/trang trại. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%; ngân sách huyện 30%.
Qua rà soát của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Quảng Trị có 369 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi. Trong đó có 23 cơ sở chim yến, 326 hộ chăn nuôi, 11 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 9 trang trại chăn nuôi quy mô vừa.
Sau khi nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Trị có hiệu lực, các địa phương đã làm việc với các hộ dân về việc chấm dứt hoạt động chăn nuôi hoặc di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép trước 31/12/2024. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việc di dời hoặc chấm dứt chăn nuôi sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh kế của rất nhiều hộ dân.
Năm 2022, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã có văn bản gửi các địa phương đăng ký nhu cầu hỗ trợ di dời chăn nuôi nhưng không có hộ dân nào đăng ký. Năm 2023, có 54 cơ sở chăn nuôi đăng ký tại 5 địa phương gồm Vĩnh Linh, Đông Hà, Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 226 triệu đồng.
Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân này đăng ký muộn nên chưa kịp triển khai. Đến năm 2024, sau khi rà soát toàn bộ các cơ sở đăng ký di dời năm 2023 chưa thực hiện và nhu cầu năm 2024, có 50 cơ sở chăn nuôi có nhu cầu di dời. Trong đó có 46 hộ chăn nuôi, 3 trang trại quy mô nhỏ, 1 trang trại quy mô vừa, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ di dời là 212 triệu đồng.
Riêng tại thành phố Đông Hà, theo thống kê có 200 cơ sở/hộ chăn nuôi, 23 cơ sở/hộ nuôi chim yến nằm trong diện phải di dời. Đại diện Phòng Kinh tế thành phố Đông Hà cho hay, đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa di dời được cơ sở/hộ chăn nuôi nào ra khỏi khu vực không được phép. Theo khảo sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều hộ dân đều có tâm lý chờ đến ngày hết hạn và lựa chọn giải pháp dừng chăn nuôi.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho hay, việc tuyên truyền vận động người chăn nuôi chấm dứt hoạt động chăn nuôi, di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc không sử dụng loa phát âm thanh (đối với cơ sở nuôi chim yến) trong khu vực không được phép chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Tại một số địa phương, người chăn nuôi gặp khó khăn về quỹ đất để thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi. Tại khu vực không được phép chăn nuôi hầu hết là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng. Vì vậy, từ khi Nghị quyết 160 có hiệu lực thi hành, phần lớn các hộ chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi lựa chọn giải pháp chấm dứt hoạt động chăn nuôi.
Nguồn: nongnghiep.vn