Dồn lực cho nông nghiệp
Ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã tích cực triển khai trên 200 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN). Trong đó có 3 đề tài, dự án cấp quốc gia; hơn 80 đề tài, dự án cấp cơ sở. Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã hoàn thành và được đánh giá, nghiệm thu, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất.
Trong đó, có trên 51% đề tài, dự án KHCN của Kiên Giang trong 5 năm qua là thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh. Hầu hết các đề tài, dự án này đều đã được ứng dụng trong thực tế ngay trong quá trình triển khai dưới dạng thử nghiệm, thí điểm hoặc xây dựng mô hình…
Trong đó, tiêu biểu phải kể tới các đề tài, dự án KHCN trong nghiên cứu các biện pháp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi chuyên canh lúa sang luân canh lúa – màu, lúa – tôm thích ứng với biến đổi khí hậu tại Kiên Giang. Thu thập, lưu giữ và bảo tồn một số nguồn gen cây trồng quý, có giá trị kinh tế cao và có nhiều tiềm năng phát triển như hồng sim, dó bầu, lan bầu rượu, thu hải đường, lộc vừng, kim thất, thiên niên kiện, dây gắm, ngọc nữ biển, mật nhân, hà thủ ô, giảo cổ lam, tuế lược, nắp bình, bí kỳ nam (kỳ nam kiến).
Thu thập, bảo tồn và khai thác các nguồn gen vào tạo sản phẩm một số loài cây đặc trưng, có giá trị kinh tế cao như măng cụt, khóm, khoai lang, sầu riêng, hồ tiêu Phú Quốc và Hà Tiên, nấm bào ngư Nhật, bào như xám, nấm rơm, nấm mèo, nấm linh chi…
Nghiên cứu và xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với nhiều đối tượng thủy sản có giá trị như ghẹ xanh, ốc hương, sò huyết, nghêu lụa, cầu gai, cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu, cá chim vây vàng, cá trê suối Phú Quốc, cá thát lát, tôm cành xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng.
Phát triển các mô hình, kỹ thuật hiện đại trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đã đưa ứng dụng công nghệ lồng HDPE (của Na Uy) vào nuôi hải sản trên biển quy mô công nghiệp; các mô hình nuôi biển cải tiến về lồng, giống, thức ăn, quản lý môi trường nuôi trên cá bè (cá mú, cá bóp, cá bè quỵt, chim vây vàng…).
Thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương đã được ứng dụng tiến bộ KHCN, trở thành sản phẩm OCOP, thăng hạng OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể…
Ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất
Đối với trồng trọt, các đề tài, dự án nghiên cứu KHCN của Kiên Giang những năm qua đã tập trung vào các kỹ thuật mới trong lĩnh vực giống cây trồng như trong lai tạo, phân lập giống gốc, sản xuất phôi, phục tráng, tạo giống đầu dòng. Nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn tốt, mốt số giống có khả năng chịu mặn lên tới 6‰ trong suốt quá trình sinh trưởng, năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tuyển chọn và phục tráng các giống lúa mùa đặc sản cho vùng U Minh Thượng như Ba Bụi, Một Bụi và Tiêu Chệt… Những giống lúa này đang được người dân đưa vào sản xuất cho hiệu quả cao.
Điển hình là đã nghiên cứu, chọn tạo được bộ giống lúa GKG do Trung tâm Giống nông – lâm – ngư nghiệp Kiên Giang thực hiện. Trong đó, có 4 giống lúa đã được công nhận chính thức là GKG1, GKG5, GKG9 và GKG24. Riêng giống lúa GKG31 và GKG35 đã được báo cáo nghiệm thu, được hội đồng khoa học đánh giá xếp loại A, hiện đang hoàn thiện thủ tục để công nhận giống chính thức.
Mô hình canh tác lúa hiện đại, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đang được duy trì ứng dụng trong thực tiễn…
Một số đề tài, dự án tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa nhanh các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Không ít mô hình trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản, cây nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp đã được thay đổi quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP.
Trong thủy sản, Kiên Giang đã nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật mới trong tiết kiệm nước, bể tròn nổi, thiết bị IoT thông minh… trong nuôi tôm công nghiệp và trong một số hình thức nuôi khác như mô hình tôm sú – lúa, tôm thẻ chân trắng – lúa, tôm – cua… Các mô hình này qua thực hiện ứng dụng vào thực tiễn sản xuất đã cho hiệu quả cao, đang được các địa phương như An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận duy trì, nhân rộng.
Cụ thể như đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cua biển được thực hiện khá thành công tại huyện An Minh, đáp ứng tốt nhu cầu con giống phục vụ trong mô hình tôm – cua – lúa, tôm – cua – rừng. Sau đó, địa phương tiếp tục triển khai thí điểm 1 mô hình sản xuất cua giống cấp cơ sở tại hộ nông dân thông qua hỗ trợ từ chương trình khuyến nông – khuyến ngư. Đến nay, người dân đã học hỏi, tiếp cận được công nghệ sản xuất giống cua biển nhân tạo và đã nhân rộng ra trên 50 cơ sở sản xuất giống tại 2 huyện An Minh và An Biên.
Trường Đại học Kiên Giang cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công sản xuất giống và nuôi nhân tạo cá ngựa tại vùng biển Kiên Giang. Hiện nay, giống cá ngựa sinh sản nhân tạo đã được thuỷ cung Vinpearl Phú Quốc hợp tác khâu ứng dụng nuôi thương phẩm và trình diễn phục vụ du khách tham quan. Mô hình này cũng có triển vọng rất lớn triển khai rộng rãi ra các hộ dân vùng ven biển nuôi thương mại do cá ngựa có giá trị kinh tế cao nhưng việc khai thác ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt.
Tại Kiên Giang, mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè tại vùng biển Nam Du cũng đã được triển khai thử nghiệm gồm hơn 20 lồng với mật độ thả, công thức cho ăn, kích thướt lồng theo nghiệm thức tối ưu đã chọn trong thí nghiệm. Kết quả mô hình rất khả quan, tổng thu hoạch đạt gần 2,7 tấn cá mú và 12,5 tấn cá bớp. Mô hình đã được người dân ứng dụng, nhân rộng ra hàng trăm lồng bè.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi biển xa bờ bằng lồng HDPE kiểu Na Uy đang được thử nghiệm trong dự án cấp quốc gia, quy mô thử nghiệm 10 lồng nuôi thương phẩm trên đối tượng cá chim vây vàng và 1 mô hình ương giống từ cá bột lên cá giống.
Đây là dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, áp dụng hình thức ứng dụng thí điểm trên công nghệ có sẵn vào điều kiện cụ thể của địa phương. Tuy nhiên, mô hình này có chi phí đầu tư của hộ tham gia khá cao, cần huy động nhiều nguồn lực mới có thể triển khai rộng khắp.
Trong lĩnh vực thủy sản, thời gian qua Kiên Giang còn có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng về sản xuất giống và nuôi vẹm xanh, ốc hương, sò huyết, các loài nhuyễn thể, cá nâu, nuôi tôm, cua, ghẹ, tôm chân trắng, cá chạch lấu, thát lát cườm; các mô hình nuôi thuỷ sản thông minh (ứng dụng IoT), thân thiện với môi trường…
Các đề tài, dự án KHCN của Kiên Giang được nghiên cứu có tính thực tiễn cao, đã và đang duy trì triển khai ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: nongnghiep.vn