Nhằm kiểm soát chất lương vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản lưu thông trên thị trường, Sở NN-PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm ngăn chặn và xử lý kịp thời. Khắc phục vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhưng đồng thời cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các đơn vị thuộc sở đã hướng dẫn, thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy. Hiện nay khoảng 90% cơ sở xếp loại A/B và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Công tác giám sát chất lượng, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện trên diện rộng, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao.
Trung bình mỗi năm Hà Nội lấy khoảng 2.500 mẫu để giám sát, cảnh báo nguy cơ. Các tỷ lệ mẫu vi phạm cải thiện qua các năm, năm 2018 tỷ lệ mẫu vi phạm các chỉ tiêu ATTP là 7,46%, năm 2023 giảm còn 4,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, 100% mẫu giám sát của sở đã thực hiện đều đảm bảo an toàn thực phẩm các chỉ tiêu phân tích.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm. Trong 6 đầu năm 2024, đã tổ chức thanh, kiểm tra 73 lượt cơ sở, kết quả có 10 cơ sở có vi phạm, xử lý hành chính phạt 417 triệu đồng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn: Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn); Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm sản; Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản; Phầm mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
Công tác kết nối tiêu thụ, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh vẫn còn hạn chế. Vẫn có khoảng hơn 4% sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ còn phát hiện các chỉ tiêu mất an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng chuỗi và nông sản sản xuất theo chuỗi, các vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, còn chưa được thường xuyên dẫn đến nhiều sản phẩm tốt, có giá trị cao, đảm bảo ATTP… chưa được các các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng biết đến.
Để khắc phục điều này trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo các chi cục chuyên ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng chống dịch bệnh động vật, cây trồng, phòng chống lụt bão, thiên tai đảm bảo sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu tự cung cấp cho người dân Thủ đô.
Tiếp tục phối hợp với Sở Công thương theo dõi, bám sát tình hình cung cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đẩy mạnh thông tin về tình hình cung cầu, chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường đối với vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản phục vụ đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các quy định đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại nhất là các sản phẩm tiêu thụ lớn, vào các dịp cao điểm. Tiếp tục thực hiện các nội dung chương trình phối hợp với các tỉnh thành. Phối hợp Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh, thành đến các hệ thống phân phối.
Nguồn: nongnghiep.vn