UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 2367/QĐ UBND phê duyệt hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2025. Theo kế hoạch, toàn tỉnh xây dựng 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vào năm 2025.
Qua triển khai thực hiện, đến nay đã xây dựng được 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Công suất giết mổ ngày/đêm tại thành phố, thị xã từ 200 – 400 con heo, 3.000 – 5.000 con gia cầm, 50 – 100 con trâu, bò. Riêng tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu từ 50-100 con trâu bò/ngày, đêm. Còn tại các huyện công suất từ 50 – 100 con heo và 200 – 300 gia cầm/ngày, đêm.
Bên cạnh đó, An Giang còn bắt cặp vấn đề các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thủ công đang hoạt động còn nhiều lên đến 37 điểm. Đây là những điểm nhỏ lẻ tạm thời được hoạt động tại các địa bàn huyện, thị chưa triển khai được cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Hàng năm, cơ quan chuyên ngành thực hiện đánh giá, xếp loại nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Qua kiểm tra, các cơ sở đạt theo tiêu chí xếp loại B và chưa phát hiện cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm hay nhập gia súc gia cầm lậu qua biên giới để bán thị trường trong tỉnh.
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết: An Giang hiện là một trong những tỉnh ĐBSCL đang phát triển đàn gia súc, gia cầm khá mạnh và luôn đảm bảo lượng thịt cung cấp cho cư dân trong tỉnh và xuất bán ra ngoài tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vấn đề khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật những năm qua chưa đảm bảo theo kỳ vọng. Nguyên dân là do thiếu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các lò giết mổ tập trung quy mô lớn.
Giết mổ gia súc, gia cầm là nghề mang tính nhạy cảm, nên rất khó mời gọi đầu tư, cũng như việc khó huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở giết mổ. Khó tìm vị trí đất xây lò giết mổ để đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung.
Cái khó tiếp theo, các điểm giết mổ phải cách biệt tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Nếu đáp ứng thì việc đầu tư rất tốn kém cho hạ tầng (đường, điện, nước…), trong khi nhu cầu giết mổ tại các huyện từ 50 – 100 con heo và 200 – 300 gia cầm trên ngày, đêm thì sẽ thu hồi vốn rất chậm, nên khó mời gọi đầu tư.
Hồ sơ thủ tục xin xây dựng cơ sở giết mổ khá phức tạp (chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai và môi trường), phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan. Đất xây dựng cơ sở giết mổ phải được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, kỳ quy hoạch phải 5 năm, nên khó cho địa mời gọi nhà đầu tư xây lò giết mổ tập trung quy mô lớn.
Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết thêm, để nâng cao chất lượng sản phẩm cho ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kế hoạch chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang với tổng kinh phí dự kiến gần 60 tỷ đồng.
Đồng thời, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, số lượng gia súc gia cầm giai đoạn 2021 – 2025, trâu 2.000 con, bò 95.000 con, heo 134.000 con, gà 1,6 triệu con, vịt 3,7 triệu con.
Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn này trung bình từ 3-4%/năm và sản lượng thịt hơi các loại đến năm 2025 đạt trên 36.500 tấn, đến năm 2030 đạt đến 45.500 tấn. Sản lượng trứng đến năm 2025 đạt từ 420 triệu quả trứng.
Mục tiêu đến năm 2025 An Giang hình thành và từng bước đưa vào hoạt động hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo hướng tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm.
Theo đó, toàn tỉnh sẽ xây dựng 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với công suất mỗi cơ sở đối với heo trên 50 con/ngày, đêm; gia cầm tên 300 con/ngày, đêm và trâu, bò trên 20 con/ngày, đêm.
Về tiêu chuẩn thiết kế các điểm giết mổ đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung. Và áp dụng quy trình công nghệ giết mổ treo đảm bảo vệ sinh thú y thiết kế từ khu bẩn đến khu sạch.
Nguồn: nongnghiep.vn