Theo số liệu sơ bộ mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tới hết tháng 7, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 64,66 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 31,34 tỷ USD. Chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu đạt 212,97 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng 33,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 14,52 tỷ USD sau 7 tháng, tương ứng giảm 1,98 tỷ USD so với mức thặng dư 16,5 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Thống kê hải quan ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, với mức tăng lên tới hai con số. Đáng chú ý, một số mặt hàng dù có số lượng xuất khẩu sụt giảm, nhưng trị giá xuất khẩu tiếp tục tăng – cho thấy chúng ta đã bán được hàng với giá tốt hơn đáng kể so với năm trước.
Ví dụ, mặt hàng cà phê dù giảm 12,4% về lượng nhưng có mức tăng tới 33,5% về trị giá xuất khẩu, đạt hơn 3,6 tỷ USD. Hay với hạt tiêu, dù giảm nhẹ 2,5% về lượng nhưng tăng tới 40,7% về trị giá xuất khẩu, đạt hơn 760 triệu USD…
Trước đó, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 34,27 tỷ USD. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ghi nhận sự khởi sắc trong xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, trước các diễn biến khó lường của thị trường, nhiều chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng cảnh báo này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Hiện tại, đã có 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long, ớt, đậu bắp và sầu riêng. EU đã định kỳ rà soát và áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra và quản lý nhập khẩu mỗi 6 tháng. Do đó, nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản xuất khẩu của Việt Nam có nhiều nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định.
Chưa kể, cà phê, hồ tiêu và một số nông sản chủ lực khác của Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bị hạn chế khi xuất khẩu sang EU từ năm 2025 do khu vực này dự kiến sẽ tăng cường các biện pháp giám sát an toàn thực phẩm…
Nguồn: nongnghiep.vn