Trên thực tế, mặt trăng không có màu xanh như một số người lầm tưởng mà đơn thuần đó chỉ là tên gọi.
Cụ thể, tên gọi Trăng xanh (tiếng Anh: Blue Moon) thực chất xuất phát từ cách gọi dành cho lần trăng tròn thứ 3 trong một mùa có 4 lần trăng tròn. Đây là định nghĩa truyền thống về trăng xanh, và là loại siêu trăng mà chúng ta sẽ thấy xuất hiện vào rạng sáng 20/8 này.
Một định nghĩa khác về trăng xanh, xuất phát từ cách gọi dành cho lần trăng tròn thứ 2 diễn ra trong tháng 8. Điển hình cho đợt trăng xanh này là vào năm 2023, khi lần đầu tiên diễn ra trăng tròn vào ngày 1/8. Tiếp đó trong các ngày 30 và 31/8, trăng tròn lại xuất hiện một lần nữa.
Một số chuyên gia cho rằng, trăng xanh được quan sát thấy lớn hơn khoảng 5-7% và sáng hơn khoảng 15% so với trăng tròn thông thường. Dẫu vậy, người quan sát không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ bảo vệ mắt nào khi ngắm trăng.
Hiện tượng siêu trăng không phải quá hiếm gặp. Trung bình, siêu trăng có thể diễn ra 3-4 lần/năm. Tuy nhiên, siêu trăng xanh lại ít phổ biến hơn, khi chỉ có 1 trong số 33 lần siêu trăng đáp ứng đủ điều kiện.
Điều đặc biệt của trăng xanh lần này không chỉ là kỳ trăng tròn thông thường, mà sẽ là siêu trăng xanh (kết hợp giữa siêu trăng và trăng xanh).
Theo Hội thiên văn Hà Nội (HAS), nếu thời tiết thuận lợi, người yêu thiên văn hoàn toàn có thể quan sát hiện tượng độc đáo này vì thời điểm diễn ra trăng tròn cũng là lúc trăng lên cao nhất trên bầu trời vào buổi tối.
Theo ghi chép của NASA, thuật ngữ “siêu trăng” lần đầu tiên được nhà chiêm tinh Richard Nolle nhắc tới vào năm 1979. Khái niệm này sau đó được dùng để chỉ Mặt Trăng ở giai đoạn trăng non hoặc trăng tròn trong phạm vi 90% khoảng cách gần nhất với Trái Đất.
Siêu trăng cũng là dịp trăng tròn lớn nhất và sáng nhất trong năm, với độ sáng cao hơn khoảng 30% và kích thước lớn hơn 14% so với bình thường khi quan sát từ Trái Đất.
Mặc dù con số này có vẻ rất lớn, nhưng thực tế sẽ không dễ để phát hiện ra sự khác biệt bằng mắt thường, trừ khi bạn là người quan sát chuyên nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn