Có được kết quả này, là nhờ cán bộ chính quyền các cấp biết gần dân, làm công tác dân vận khéo.
Dân đồng lòng
Tìm đến UBND xã Lộc Hòa, tôi gặp anh Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch xã, nghe tôi trình bày lý do, anh vồn vã khoe: “Từ bao đời nay, đồng bào thiểu số có thói quen ở nhà sàn, phía trên cho người, phía dưới đất là các loại gia súc, gia cầm. Không chỉ ô nhiễm môi trường, mà còn gây đủ thứ bệnh tật. Nhưng, muốn thay đổi, không đơn giản, bởi đó là tập tục lâu đời. Sau khi tỉnh, huyện ra nghị quyết, chúng tôi quyết tâm vào cuộc, phải làm thay đổi những tập quán xấu này. Và kết quả như hôm nay anh thấy. Đồng bào thiểu số bây giờ không chỉ làm ăn giỏi, mà nếp sống cũng văn minh, tiến bộ, không thua gì người miền xuôi đâu”.
Ngồi sau xe máy anh Cường, tôi mới có dịp quan sát 2 bên đường. Ngoài con đường chính của xã đã trải nhựa, những đường nội thôn cũng đã được bê tông hóa, không còn đường đất. Lẩn khuất trong những vườn điều, tiêu, mít bên đường, là những ngôi nhà, tuy chưa phải to, nhưng khang trang, sạch sẽ, bầu không khí đã trong lành, không còn “lầy lội” bởi chất thải từ các loại vật nuôi nữa.
Gia đình già làng Điểu Vem ở thôn 8B, xã Lộc Hòa, khá khang trang, ngoài 1 căn đã cũ với mái ngói, còn 1 căn mới xây theo kiểu hiện đại. Giữa 2 ngôi nhà là một chiếc máy cày đang đậu. “Ngôi nhà mới này xây cho con trai lấy vợ ra ở riêng. Xây ít tiền thôi”, Điểu Vem gật đầu chào tôi, giới thiệu kèm nụ cười bẽn lẽn.
Năm nay 62 tuổi, già làng Điểu Vem còn rất khỏe, làn da rám nắng, săn chắc. Nhờ “cái gì cũng tốt” như lời anh Cường, mà gần 20 năm nay, ông được tín nhiệm, bầu làm già làng. “Ngoài sản xuất giỏi, Điểu Vem còn là người gương mẫu trong gia đình, rất quan tâm đến người dân trong thôn, hễ gia đình nào có chuyện “lùm xùm”, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái hỗn hào, bỏ học, nhờ ông đến “làm việc” 1 buổi là đâu lại vào đó. Trong chuyện làm ăn cũng vậy, do làm ăn giỏi, “chuyện gì cũng biết”, nên mỗi khi bà con muốn nuôi con gì, trồng cây gì, chăm sóc thế nào… lại đến tham khảo ý kiến già làng Điểu Vem”, anh Cường nói.
“Tập tục nuôi nhốt gia súc, gia cầm cùng nơi mình ở có từ khi nào?”, tôi hỏi, già làng Điểu Vem đáp: “Có từ thời ông cha rồi. Ngày xưa hẻo lánh, ít người, rừng nhiều thú dữ, mình phải cho nó ở gần thì thú dữ nó sợ, không dám đến bắt. Ngoài ra thì nhốt trâu bò, lợn gà dưới sàn đỡ tốn tiền, tốn công làm chuồng khác”. Tôi hỏi tiếp: “Nhốt trâu, bò, heo, gà chung với người như vậy có thấy mùi hôi không?”. Điểu Vem đáp: “Chắc là có. Nhưng mình ở lâu ngày quen mùi rồi”.
Nói về nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật vì sống chung với gia súc, Điểu Vem cho biết, vì lạc hậu nên mọi người vẫn đinh ninh là do con ma rừng, do thần linh trách phạt. Nên ốm đau thì gọi thầy lang đến cúng. “Nhưng mà không hết bệnh đâu. Sau này, được cán bộ, chính quyền nói mới biết”, ông cười, nói thêm.
Trả lời câu hỏi: “các anh đã làm thế nào để dân thay đổi thói quen sống chung với vật nuôi này?”, anh Cường nói: “Kế hoạch di dời đàn vật nuôi ra khỏi khu dân cư là chủ trương của tỉnh, huyện, là một phần trong kế hoạch ổn định, nâng cao đời sống dân cư vùng đồng bào thiểu số. Nhưng, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, phần vì đây là tập tục có từ lâu đời của đồng bào, phần vì kinh phí… Dù vậy, chúng tôi phải quyết làm cho được. Vì thế, cả hệ thống chính trị, từ huyện đến xã, ấp, sóc tham gia rất tích cực. Trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào, một yếu tố rất quan trọng là phải dựa vào uy tín của các vị cao niên, già làng, người có uy tín. Tiếng nói của họ rất có trọng lượng đối với bà con. Vì thế, chúng tôi đặt trọng tâm tuyên truyền những người như Điểu Vem, khi họ hiểu và gương mẫu làm trước, thì sau đó, vận động người dân lam theo cũng đơn giản hơn nhiều”.
Dân vui, cán bộ càng vui
Già làng Điểu Vem cho biết, gia đình ông có đàn bò 3 chục con, đã dời chuồng ra ngoài từ lâu. Khi hiểu rõ vấn đề, ông tích cực vận động bà con làm theo, những gia đình khó khăn ít thì ông hỗ trợ, nhưng nhiều gia đình khó khăn hơn thì đề nghị chính quyền giúp.
Đồng bào thiểu số ở xã Lộc Quang hiện nay có nhiều người giàu. Trong ảnh là vườn điều cổ thụ của gia đình anh Điểu Vức. Ảnh: Hồng Thủy.
Anh Điểu Vức, ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, một nông dân sản xuất giỏi của xã, có đàn trâu bò gần 2 chục con. Nhưng, giống như nhiều gia đình khác, phần lo mất trộm, phần không muốn tốn tiền làm thêm chuồng, nên lâu nay vẫn nhốt quanh nhà và dưới sàn, cách chỗ ăn uống, ngủ nghỉ chỉ chừng 1 mét. Hàng ngày, chúng thải ra lượng phân, nước tiểu khá lớn.
“Lúc còn nhốt chung nhà, mùa nắng bốc mùi nồng nặc, còn khi mưa xuống, chất thải chảy tràn ra sân, mà lúc đó mình quen rồi. 2 năm trước, khi cán bộ xuống vận động dời chuồng ra ngoài, tôi đồng ý làm chuồng ra ngoài hết mấy chục triệu. Hơn năm nay, không sống chung với trâu bò, tôi khỏe hơn, ăn ngủ ngon hơn, mấy đứa con không bị bệnh lặt vặt nữa, quanh nhà không khí trong lành, ít ruồi, nước giếng cũng không còn mùi lạ như trước”, Điểu Vức nói.
Ông Điểu Vem và anh Điểu Vức là 2 trong số những người sắm chiếc máy cày, máy gặt lúa từ lâu. Ảnh: Hồng Thủy.
Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Lộc Ninh, trước khi có chủ trương của Huyện ủy Lộc Ninh về thực hiện kế hoạch di dời toàn bộ chuồng trại gia súc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, toàn huyện có gần 1.000 chuồng, điểm buộc gia súc nuôi nhốt trong khu dân cư với hơn 4.700 con, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Chủ tịch Hội nông dân huyện Lộc Ninh Hoàng Ngọc Anh cho biết, để có kết quả như hiện nay, không phải đơn giản. “Đồng bào thiểu số bao đời nay có thói quen sống chung với vật nuôi, họ suy nghĩ đơn giản là đỡ tốn chi phí làm chuồng, lại bảo vệ được vật nuôi. Vì thế, để thuyết phục họ, toàn bộ các cấp chính quyền phải cùng vào cuộc. Việc vận động cũng phải hết sức khéo léo. Những cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dân, được họ tin tưởng, đến nhà, lắng nghe tâm tư, hoàn cảnh của họ. Nếu có khó khăn, vướng mắc thì về cùng ngồi lại, bàn cách tháo gỡ. Từ đó đưa ra giải pháp hài hoà.
Ngoài ra, một vấn đề khác là có nhiều hộ gia đình không có vườn, đất để di dời chuồng trại ra xa nhà. Để giải quyết việc này, chính quyền địa phương đã lập phương án xây dựng khu chuồng trại tập trung. Đi đầu là xã Lộc Thành khi dành quỹ đất gần 1ha để xây dựng khu chuồng trại tập trung. Việc đi dời đàn gia súc ra khu chuồng trại tập trung vừa chẳng tốn đất sản xuất của dân, không tốn công sức, lại tránh được ô nhiễm, nên người dân bằng lòng ngay”, ông Hoàng Ngọc Anh nói.
“Có thể thấy, dù thói quen nuôi nhốt gia súc trong nhà đã có từ rất lâu đời, nhưng khi hiểu rõ lợi ích của việc di dời, thì toàn bộ người dân đã đồng lòng. Di dời xong, ai nấy đều hân hoan vì cái tập tục quá lạc hậu xưa đã được thay thế bằng cái văn minh”, anh Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch xã Lộc Hòa.
Nguồn: nongnghiep.vn