Xu hướng bán lẻ hiện đại tăng tốc tại Việt Nam
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017 – 2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gần gấp đôi mức bình quân tăng trưởng của thế giới. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được ATKearney xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2021.
Với tốc độ đô thị hóa và xu hướng tiêu dùng hiện đại ngày càng phát triển, ngành bán lẻ trong nước đang dịch chuyển mạnh mẽ từ các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống sang các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… Các kênh bán lẻ trực tuyến, thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng và chiếm thị phần lớn hơn.
Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển vì kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 48%, Philipines là 75% và Singapore cùng nhiều nước phát triển khác là 80%.
Theo Euromonitor, quy mô thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam sẽ tăng lên 20 tỷ USD trong thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động và tăng trưởng doanh thu.
Với sự năng động của các “ông lớn” như Masan, Thế Giới Di Động, PNJ, FPT Retail… thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam dự kiến sẽ tăng tốc hơn nữa. Đặc biệt nhiều nhà bán lẻ áp dụng mô hình bán hàng đa kênh nhằm tích hợp và tối ưu khả năng bán hàng từ kênh truyền thống với các cửa hàng và kênh trực tuyến.
Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện đại về quy mô điểm bán là WinCommerce (Công ty thành viên thuộc Masan Group) với 3.546 cửa hàng WinMart+/WiN và 129 siêu thị WinMart có mặt trên toàn quốc.
Năm 2023, WinCommerce, công ty chủ quản hệ thống bán lẻ của Masan đã hoàn tất tái cấu trúc và trở lại chiến lược mở rộng điểm bán; tập trung vào các mô hình riêng biệt cho từng khu vực và phân khúc khách hàng.
Cụ thể là chuỗi cửa hàng WiN với định hướng tập trung vào người tiêu dùng thành thị, đạt mức tăng trưởng doanh số bán hàng 7,3%; cửa hàng WinMart+ ở khu vực nông thôn tập trung vào việc cung cấp nhiều loại sản phẩm giá rẻ chất lượng, đạt 11,2% tăng trưởng doanh số.
Đến cuối năm 2024, WinCommerce đề ra kế hoạch mở rộng quy mô với mục tiêu sẽ có khoảng 4.000 cửa hàng; đồng nghĩa mỗi ngày 1 điểm bán mới sẽ xuất hiện.
Hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà bán lẻ offline to online số một Việt Nam, năm 2021, Masan bắt tay với Alibaba trong một thương vụ đầu tư 400 triệu USD, để mua 5,5% cổ phần của The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và WinCommerce.
Ngoài việc mua sắm tại hơn 3.600 điểm bán offline của hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN, khách hàng còn có thể mua sắm online tại website winmart.vn và WinMart Official Store tại Lazada.
Lợi thế về quy mô chuỗi bán lẻ và hệ sinh thái sản xuất hàng tiêu dùng, viễn thông, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, F&B, Masan hội đủ các yếu tố để hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam
Một Reliance Retail của Việt Nam?
Mô hình Masan đang hướng đến có nhiều điểm tương đồng với Reliance Retail – nhà bán lẻ lớn nhất Ấn Độ xét về doanh thu. Tương tự như Masan, bán lẻ nhu yếu phẩm là lĩnh vực Reliance lựa chọn để tham gia vào ngành bán lẻ hiện đại với cửa hàng Reliance Fresh đầu tiên ra đời tại Hyderabad. Từ bán lẻ nhu yếu phẩm, Reliance Retail mở rộng sang các lĩnh vực khác như viễn thông, thời trang, công nghệ.
Với bán lẻ hiện đại, Reliance Retail bắt đầu thử nghiệm mua sắm trực tuyến từ năm 2020 với hệ thống JioMart nhằm đối đầu với Amazon.com và Walmart trong thị trường thương mại điện tử được dự báo trị giá 200 tỷ USD của Ấn Độ vào năm 2027.
Ngoài JioMart, nhà bán lẻ lớn nhất Ấn Độ còn sở hữu hàng chục thương hiệu bán lẻ khác trong các lĩnh vực khác nhau với gần 19.000 cửa hàng, siêu thị. Trong năm tài chính gần nhất (2023 – 2024), Relaince Retail đạt 37 tỷ USD doanh thu và lợi nhuận 1,3 tỷ USD.
Cuối năm ngoái, Reliance Retail được định giá 100 tỷ USD thông qua các thương vụ đầu tư của các quỹ đầu tư chính phủ như Qatar Investment và Abu Dhabi SWF.
Ở thị trường Việt, đối với “công cuộc” hiện đại hóa bán lẻ, Masan hiện sở hữu nhiều ưu thế nhờ sự đa dạng của hệ sinh thái sản xuất hàng tiêu dùng (Masan Consumer) và dịch vụ tài chính (Teccombank). Chỉ chưa đầy 2 năm ra mắt, chương trình hội viên WIN của Wincommerce đã đạt 10 triệu thành viên. Giá trị giỏ hàng thành viên tăng gấp đôi so với của những người không phải là hội viên. Trung bình, các hội viên mua sắm 4 lần mỗi tháng. Chương trình Hội viên WiN còn giúp công ty có được những đánh giá về thói quen tiêu dùng của khách hàng, giá trị đơn hàng, mặt hàng quen thuộc và tần suất mua sắm….
Mục tiêu của WinCommerce, cũng như Masan, là 30 triệu hội viên trong vòng 5 năm tới. Tính trung bình mỗi hộ gia đình có từ 3 – 4 thành viên, điều này tương đương việc hệ thống bán lẻ này sẽ tiếp cận được 100 triệu người dân Việt Nam.
Với vị thế dẫn đầu thị trường – chiếm trên 50% số lượng điểm bán của kênh bán lẻ hiện đại của WinCommerce, hoàn tất định hình các mô hình cửa hàng có lợi nhuận và xu hướng bán lẻ hiện đại đang tăng tốc nhanh chóng tại thị trường Việt Nam, WinCommerce đang đứng trước cơ hội “đón sóng” tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững trong dài hạn.
Nguồn: nongnghiep.vn