Đó là hành trình dài với bao khó khăn, thử thách của ông Phạm Quốc Liêm – Chủ tịch Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao An Thái (Unifarm) và các kỹ sư của Công ty.
Nghe ông Liêm chia sẻ về hành trình tìm ra giống chuối kháng bệnh héo rũ Panama, chúng tôi thực sự nể phục, bởi ngay cả những chuyên gia về chuối của Hàn Quốc, Philippines – những đất nước có công nghệ hàng đầu về cây chuối cũng chưa làm được. Và chính những chuyên gia này đã đề nghị ông Liêm bán cho họ phôi giống chuối kháng bệnh này.
Đi chậm nhưng chắc
“Chúng tôi chỉ nhân rộng sau khi đã xác định được mô hình phù hợp và kỹ thuật chính xác. Vì vậy, Unifarm khác biệt so với các công ty khác khi phát triển chậm nhưng bền vững. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, thị trường… Những khó khăn này có thể ảnh hưởng đến đầu vào và kết quả cuối cùng. Để đạt được kết quả như vậy, chúng ta cần kết hợp công nghệ và con người”, ông Liêm mở đầu.
Unifarm bắt đầu trồng chuối từ năm 2010 và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào năm 2014. Ông Liêm nhận thấy chuối Việt Nam có giá thấp nhất trên kệ hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc (7 – 8 USD/kg) so với các quốc gia khác (10 – 12 USD). Ông cho rằng chuối Việt Nam chưa có thương hiệu và quyết tâm đầu tư vào chất lượng, thương hiệu và truyền thông để nâng cao hình ảnh sản phẩm.
Ban đầu, Unifarm áp dụng kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài để trồng các nông sản như cà tím, cà chua và ớt chuông với năng suất tốt, nhưng do đầu ra hạn chế nên không thành công. Sau đó, Công ty đã chuyển sang trồng dưa lưới.
Vì chưa có kinh nghiệm nên ông Liêm và các thành viên Công ty phải thuê chuyên gia từ Israel với chi phí lên tới 10.000 USD/tháng. Ban đầu chỉ làm diện tích 1ha, số tiền thu được từ 1ha dưa lưới này không đủ trả lương chuyên gia, nhưng ông Liêm vẫn chấp nhận, bởi đó chính là “tiền học phí”. Sau đó, cứ mỗi năm Công ty mở rộng thêm 1ha. Và sau 10 năm, Unifarm đã có 10ha dưa lưới đạt tiêu chuẩn chất lượng, năng suất. Như vậy là thành công.
“Tương tự, với cây chuối, tôi cũng gặp thất bại không nhỏ. Đó là năm 2011, tôi trồng 10ha. Khi cây đang phát triển thì tự nhiên bị úa vàng hàng loạt, lúc đó nghe nhiều người nói chuối bị bệnh Panama, đây là bệnh nguy hiểm, không có thuốc đặc trị, phải chặt bỏ. Sau đó, tôi thuê chuyên gia đến tư vấn. Họ nghiên cứu xong, kết luận cây chuối thiếu phân nên bị úa vàng chứ không phải bệnh Panama.
Sau đó, tôi tiếp tục đầu tư, trồng 10ha khác, nhờ có chuyên gia tư vấn, lứa chuối đầu tiên đã thành công. Nhưng vì lúc đó chưa chuẩn bị được đầu ra nên phải bán cho nhà máy chế biến với giá vài ngàn đồng/kg.
Để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm chuối, ông Liêm đã tìm kiếm và liên hệ nhiều tập đoàn trên thế giới và được Tập đoàn Dole phản hồi. Sau đó Dole cử người sang xem xét quy trình trồng chuối và lập ra chi nhánh ở Việt Nam, mua chuối của Unifarm để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Sau đó, khi sản lượng nhiều hơn, Unifarm tiến hành xuất khẩu qua các nước lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thành công với giống chuối kháng bệnh Panama
Sau nhiều năm gắn bó với cây chuối, ông Liêm hiểu rằng, Panama là bệnh mà cây chuối sợ nhất. Không chỉ thế, ngay cả những chuyên gia về chuối cũng sợ cây nhiễm bệnh này. Vì thế, ông nung nấu quyết tâm tìm ra cách “trị” bệnh Panama.
Ông Liêm chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi lập một nhóm 12 người để nghiên cứu, tìm ra cây chuối kháng bệnh. Trên thực tế, chuối trồng không thể kháng được bệnh Panama, trong khi đó, một số cây chuối hoang dã thì bằng cách nào đó, lại kháng được bệnh này. Chúng tôi theo dõi vườn chuối bị bệnh Panama nặng trong vòng 3 tháng và không can thiệp gì, kết quả cứ 100 cây thì chỉ 1 cây sống sót. Tôi lấy cây chuối này về, làm thử nghiệm phát triển trong phòng nuôi cấy mô. Sau đó tiếp tục nhân giống thêm 100 cây, trồng ra đất bị nhiễm bệnh Panama, lại tiếp tục chết gần 99%, chúng tôi lặp lại quy trình ban đầu. Cứ như thế, trải qua thời gian nghiên cứu 4 năm, cuối cùng, trồng 100 cây thì sống cả 100, vậy là đã có giống chuối kháng được bệnh Panama.
Trước đó, để tìm được giống chuối kháng bệnh Panama, các đối tác nước ngoài đã gửi về cho tôi hàng trăm mẫu giống kháng bệnh Panama, tất cả những giống kháng này đều xuất phát từ những cây chuối dại. Nhưng khi trồng, trái chuối thành phẩm lại xấu, cong vẹo, không có giá trị thương phẩm. Nhưng giống chuối kháng bệnh của Unifarm thì đạt tiêu chuẩn như các giống chuối bình thường khác. Vì thế, đây là thành công lớn của chúng tôi. Các đối tác nước ngoài đã nhiều lần đề nghị bán lại giống này cho họ nhưng chúng tôi muốn nhân rộng giống này ra các mô hình trong nước trước rồi mới tính đến chuyện có bán cho họ hay không”.
Để nghiên cứu, tìm ra giống chuối kháng bệnh Panama, lại có giá trị thương phẩm cao, Unifarm đã dành khá nhiều nhân lực, vật lực để đầu tư một trung tâm nghiên cứu giống hiện đại tại Long An. Kết quả, giống chuối kháng bệnh của Unifarm có tỷ lệ chống chịu bệnh lên đến 95% tại những vườn đất có lịch sử nhiễm bệnh. Nhờ kháng bệnh tốt nên năng suất cao hơn và giá thành giảm vì không tốn chi phí phòng bệnh.
“Unifarm hiện đang thử nghiệm mô hình chuối hữu cơ trong nhà kính cao, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, Công ty sử dụng các chế phẩm sinh học. Khi mô hình này được áp dụng thành công và mở rộng, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh. Việc giảm sử dụng hóa chất cũng giúp giảm chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Unifarm đang nghiên cứu phát triển giống mới và áp dụng công nghệ vi sinh để giải quyết vấn đề kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Liêm nói.
“Đến nay, Unifarm đã có 10 năm xuất khẩu chuối đến các nước khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là điều đáng mừng, có thể tự hào sản phẩm chuối của Unifarm nói riêng và Việt Nam nói chung đã được công nhận về chất lượng và giá cả. Người tiêu dùng đã nhìn nhận chuối Việt Nam từ ngang tới cao hơn so với các quốc gia khác.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam, cũng có một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhưng sau một thời gian không còn tồn tại. Điều này là một thực tế đáng buồn”, ông Phạm Quốc Liêm chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn