Nâng tầm cho cây lúa, sen, bưởi, nấm, dược liệu…
Trong hoạt động khuyến nông việc xây dựng mô hình có ý nghĩa rất quan trọng. Nó gồm hai bước: Thứ nhất là làm mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phù hợp với từng địa phương, nhu cầu của sản xuất và định hướng phát triển của ngành; Thứ hai là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng.
Đi theo hướng ấy, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện đa dạng hóa các loại mô hình. Về khuyến nông trồng trọt có 6 mô hình trong đó 2 mô hình lúa vụ xuân đã nghiệm thu. Cụ thể, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, thực hiện 2 vụ trên quy mô 100 ha, thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hướng an toàn và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Kết quả trên 50 ha lúa xuân năng suất đạt từ 60 – 69,4 tạ/ha, cao hơn từ 10% đến 20% so với phương pháp cấy truyền thống, được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ 7.000 – 7.800 đồng/kg thóc tươi. Mô hình là tiền đề cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ. Vụ mùa tiếp tục thực hiện 50 ha trên các giống lúa TBR225, HD11 và nếp cái hoa vàng, đến nay lúa đang sinh trưởng phát triển tốt.
Nhằm giải phóng sức lao động cho người nông dân, nhất là những công đoạn nặng nhọc như cấy lúa, trung tâm đã thực hiện mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy ở 2 vụ, quy mô 170 ha trong đó vụ xuân 85 ha. Lúa cấy máy do cấy nông, cấy thưa nên cây sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá. Cụ thể, năng suất thực thu đạt từ 61 – 68,6 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống gieo mạ dược, cấy tay trên 10%, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp gieo cấy truyền thống trên 20%. Vụ mùa tiếp tục triển khai trên quy mô 85 ha.
Hà Nội hiện có khoảng 7.500 ha bưởi, việc nâng cao chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu là điều cần thiết. Trung tâm đã thực hiện mô hình thâm canh bưởi theo VietGAP với quy mô 19,7 ha. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật thâm canh, quy định của sản xuất VietGAP, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất và cấp biển cảnh báo phun thuốc BVTV, lấy mẫu đất, mẫu nước đem phân tích.
Kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước tại các điểm mô hình đều dưới ngưỡng, đảm bảo theo quy định của tiêu chuẩn sản xuất VietGAP. Hiện các vườn bưởi sinh trưởng phát triển tốt, đang ở thời kỳ phát triển quả và hình thành múi, đã được bao quả.
Sen không chỉ là quốc hoa của Việt Nam mà còn được trồng khá phổ biến ở nhiều vùng chiêm trũng của Hà Nội, tuy nhiên phần lớn là những giống cũ, năng suất, chất lượng hạn chế. Mô hình khuyến nông trình diễn hoa sen giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô 17 ha được triển khai trên địa bàn quận Tây Hồ, huyện Mỹ Đức và Thạch Thất.
Đối với điểm mô hình tại quận Tây Hồ, với mục tiêu là góp phần khôi phục và phát triển sen Hồ Tây, trung tâm đã chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương và các đơn vị liên quan hướng dẫn các hộ tham gia áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chọn giống, canh tác, thu hoạch và bảo quản sen bách diệp Tây Hồ từ thời xa xưa, vừa lấy hoa để ướp chè vừa để trang trí và phát triển du lịch.
Điểm mô hình tại huyện Thạch Thất trồng các giống sen mới lấy hạt và lấy hoa. Cây sinh trưởng phát triển tốt, hiện đang cho thu hoạch hoa và hạt sen tươi và thu hút nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh.
Điểm mô hình tại huyện Mỹ Đức, trồng giống sen lấy hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch. Sau khi trồng cây sinh trưởng phát triển tốt, nhanh ra ngó mở rộng khóm. Tuy nhiên, vào tháng 5 xuất hiện mưa nhiều, diện tích 3 ha của một hộ do gần các ruộng sen giống cũ tại địa phương, bị nấm bệnh từ các ruộng sen giống cũ đi theo nguồn nước lây sang, cây sen đang phát triển tốt thì bị thối đen thân, lá thối nhũn.
Trung tâm đã mời chuyên gia về kiểm tra hướng dẫn hộ phòng trừ, hộ đã thực hiện theo đúng hướng dẫn. Song, do thời tiết cuối tháng 5 vừa qua liên tục có các trận mưa lớn, hộ không đắp được bờ ngăn nước triệt để, bệnh không giảm mà ngày càng lan rộng khả năng sẽ không cho thu hoạch. Theo đề nghị của chủ hộ và cơ sở thực hiện mô hình Trung tâm đã thành lập đoàn kiểm tra, lập biên đánh giá thiệt hại, cho hộ chuyển sang thả cá và luân canh lúa để có nguồn thu cuối năm, giảm bớt khó khăn cho hộ gia đình.
Trên diện tích 2 ha của một hộ khác cây sen tiếp tục sinh trưởng phát triển tốt, đang ra hoa, kết hạt và bắt đầu cho thu hoạch hạt sen tươi song thời tiết từ ngày 16 – 19/7 có các trận mưa lớn, nước từ đầu nguồn tràn về làm toàn bộ diện tích 2 ha ngập trắng. Sau khi nước rút, cây tiếp tục phát triển nhưng đến ngày 23 và 24/7 do ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây mưa lớn làm ngập lại toàn bộ, khả năng sẽ không cho thu hoạch.
Trong trồng trọt Hà Nội còn có các mô hình như sản xuất nấm ăn theo hướng công nghiệp với quy mô 200 tấn nguyên liệu sản xuất nấm sò, nấm đùi gà; Sản xuất rau chuẩn VietGAP; Sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm, cấp giấy chứng nhận; Sản xuất hoa lily trồng chậu theo hướng ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất hoa cúc theo hướng ứng dụng công nghệ cao; Trình diễn khoai tây giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu chưa đến thời vụ.
Cải tạo đàn bò, đàn gà, đàn lợn
Để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm khổng lồ của 10 triệu người dân Thủ đô và khách du lịch thì thúc đẩy ngành chăn nuôi tại chỗ là điều không thể thiếu. Trung tâm đã thực hiện 5 mô hình khuyến nông chăn nuôi, thủy sản. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2023 – 2024 quy mô 170 con bò cái Zebu (lai Shind, lai Brahman…).
Đơn vị đã đưa giống bò cái nền sinh sản vào nuôi tại các vùng có bãi chăn thả, vùng chăn nuôi trọng điểm giàu thức ăn xanh và áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống 3B chuyên thịt nhằm tăng số lượng đàn bò cái nền và sản lượng bò thịt. Mô hình góp phần tận dụng được lao động nông nhàn tại địa phương, đồng thời đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ phát triển kinh tế.
Sau hơn 1 năm triển khai đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%, các chỉ tiêu sinh sản cao, tỷ lệ số bò động dục hiện đạt trên 90%, đã phối giống cho 158 con trong đó có 100 con đã xác định có chửa và 58 con đang theo dõi, dự kiến đến tháng 9 những con được phối giống thời gian đầu sẽ sinh sản.
Mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi dự kiến sắp tới sẽ cấp hỗ trợ giống, vật tư để khi xuất bán đàn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Nguồn: nongnghiep.vn