Không có Agribank thì không có hôm nay
Những ngày này, ông Nguyễn Ngọc Phúc (ngụ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) đang tất bật chăm vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch của gia đình. Gặp phóng viên, ông Phúc vui vẻ vì vườn sầu riêng được mùa, giá cao nên có thu nhập tốt. Ông Phúc cho biết nếu không có nguồn vốn Agribank Bắc Đắk Lắk thì gia đình không có cuộc sống như hôm nay.
Hơn 10 năm trước, ông Phúc học tại TP.HCM rồi về quê lập nghiệp. Khi mới về quê, ông Phúc đầu tư sản xuất cây giống, khi có nguồn vốn thì bắt đầu trồng các loại cây như tiêu, sầu riêng.
Ban đầu do làm ăn nhỏ nên kinh tế chỉ ở mức ổn định. Quyết tâm làm giàu, ông Phúc vay vốn của Ngân hàng Agribank Bắc Đắk Lắk để nhập cây giống, phân thuốc về bán cho người dân trong vùng. Nhờ có nguồn vốn, ông Phúc đã có được 2 vườn ươm giống và hơn 1 ha đất trồng sầu riêng.
“Đến năm nay vườn sầu riêng đã có nguồn thu nên việc trả nợ cũng đã đỡ hơn. Tuy nhiên để có vốn đầu tư kinh doanh thì vẫn tiếp tục vay ngân hàng. Nhờ nguồn vốn vay từ Agribank đã giúp tôi rất nhiều trong việc kinh doanh. Bây giờ gia đình đang kinh doanh giống sầu riêng nên cần nguồn kinh phí lớn. Do đó ngân hàng là nơi cũng cấp nguồn vốn ổn định, nếu không có nguồn vốn thì sẽ không thể kinh doanh ổn định”, ông Phúc khẳng định.
Tương tự, ông Trần Văn Thương (ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cũng nhờ nguồn vốn của Agribank Bắc Đắk Lắk đã đầu tư, xây dựng trang trại nuôi lợn gần 1.000 con. Trước đây, ông Thương và vợ kinh doanh buôn bán quán. Tuy nhiên, việc buôn bán cũng vất vả, lợi nhuận không được cao.
“Khi 2 vợ chồng quyết chuyển hướng làm ăn thì nhờ có Agribank cho vay vốn để đầu tư chăn nuôi. Nhờ có nguồn vốn mà 2 vợ chồng mở được trang trại làm ăn thuận lợi, mua thêm đất. Nếu vợ chồng không có tư duy và sự hỗ trợ của ngân hàng thì đến nay đã không có kinh tế ổn định. Sau 5 năm vay vốn đầu tư, đến nay trang trại của gia đình đã có gần 1 nghìn con heo”, ông Thương nói và cho biết, qua việc này gia đình thấy nhà nước có nhiều chính sách tiếp cận vốn phát triển kinh tế rất tốt, từ đó giúp người dân thoát nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Đ’rao cho biết, công ty được thành lập năm 1978 và bắt đầu gắn bó với nguồn vốn Agribank Bắc Đắk Lắk đến nay hơn 40 năm. Trước đây công ty vay vốn ngân hàng ngắn hạn để chi cho việc chăm sóc, thu mua. Từ năm 2010, công ty bắt đầu vay vốn Agribank để tái canh cà phê theo chương trình của Chính phủ. Sau gần 10 năm, công ty đã vay vốn tái canh trên diện tích hơn 300ha.
Đến 2019, Ngân hàng không còn chương trình vay tái canh thì công ty chuyển sang vay ngắn hạn để chăm sóc và thu mua. “Nhờ có nguồn vốn của ngân hàng mà công ty mới có thể tái canh với diện tích lớn như vậy. Để công ty tự thân không thể tái canh được vì có thời điểm công ty khó khăn. Nguồn vốn từ Agribank là đòn bẫy để công ty thực hiện các mực tiêu”, ông Thọ chia sẻ.
Lãnh đạo này cho biết thêm, sau khi hết nguồn vốn tái canh, công ty đã vay tiền để thu mua, chăm sóc vườn. “Cuối năm là mùa giáp hạt, sản phẩm đang nằm trên lô nhưng nhu cầu tài chính rất nhiều. Công ty phải chuẩn bị tiền lương cho cán bộ công nhân viên, thu mua sản phẩm cho các hộ giao khoán, bảo hiểm cho công nhân 6 tháng cuối năm cũng như các khoản nợ. Do đó, ngân hàng lại là kênh tốt nhất”, ông Thọ nói thêm.
Ông Thọ cho biết, năm nay dự kiến công ty thu được 550 tấn nhân xấp xỉ 2.000 tấn tươi. Nhờ có nguồn vốn từ Agribank hiện nay thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2024 của nhân viên là hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những công ty cà phê hoạt động có hiệu quả nhất của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.
Agribank Bắc Đắk Lắk luôn là người bạn
Ông Phạm Xuân Cam, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Đắk Lắk cho biết, thực hiện chủ trương cho vay “tam nông” để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nông thôn là chủ trương lớn của Chính phủ nên đơn vị luôn quan tâm thực hiện.
Theo ông Cam, đến nay Agribank Bắc Đắk Lắk đã cho vay gần 9.500 tỷ đồng chương trình “tam nông”, chiếm hơn 73% trên tổng dư nợ 13.000 tỷ đồng của đơn vị. “Tam nông đầu tư nhiều lĩnh vực, ngoài cây trồng vật nuôi thì có nhà ở, thủy lợi, đường giao thông… Hiện nay có những vùng đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng. Từ đó tăng giá trị sản xuất cho nông dân”, ông Cam thông tin.
Agribank Bắc Đắk Lắk được tách ra từ Agribank Đắk Lắk năm 2017. Đến nay, Agribank Bắc Đắk Lắk đã hình thành 22 điểm giao dịch trải dài từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có 2 xe chuyên dùng để thực hiện cho vay ở những vùng sâu mà bà con không có điều kiện đến phòng giao dịch.
Hàng năm Agribank Bắc Đắk Lắk thường xuyên tổ chức kết nối ngân hàng với khách hàng, ngân hàng với cấp ủy chính quyền địa phương cấp xã. “Trên cơ sở này, Agribank Bắc Đắk Lắk chuyển tải thông tin cho bà con biết được việc cho vay nông nghiệp, nông thôn là gì. Đồng thời ngân hàng cũng thực hiện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tiếp xúc với người dân thông qua già làng, trưởng bản để lắng nghe nguyện vọng, tâm tư. Nhờ vậy những trường hợp người dân vay vốn tam nông tại ngân hàng làm ăn rất tốt, có hiệu quả. Hầu như đối với bà con thì nợ xấu không đáng kể, rủi ro đối với đồng bào hiện nay ở mức thấp”, ông Cam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cư M’gar cho biết, địa phương có nhiều thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Agribank Bắc Đắk Lắk luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của người dân và của các hộ sản xuất kinh doanh.
“Agribank đã có rất nhiều gói phục vụ cho bà con từ hộ gia đình cá nhân đến sản xuất kinh doanh. Ngân hàng đã có nhiều chương trình, đồng hành khó khăn với người dân qua các chương trình giảm lãi suất. Ngoài ra, ngân hàng cũng cử cán bộ đến tận các thôn buôn để tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm của mình để cho bà con lựa chọn nhưng sản phẩm phù hợp với quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Có thể nói đây là nguồn lực rất lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện nhà”, ông Văn nói.
Ông Phạm Xuân Cam, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Đắk Lắk cho hay, đơn vị đóng trên địa bàn rộng, giao thông nông thôn còn khó khăn, dân trí người dân chưa đồng đều. Khi đến mùa vụ, ngân hàng phải tập trung nhân viên lại để thực hiện cầm tay chỉ việc cho người dân làm hồ sơ, chứ để người dân tự làm thì rất lâu và không quen. Đây là khó khăn dẫn đến chậm giải ngân vốn. Cho vay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiều nên ngôn ngữ còn cản trở. Vì vậy ngân hàng đã tuyển thêm cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nguồn: nongnghiep.vn