Cơ hội hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm
Cuối năm 2017, trồng dâu nuôi tằm đã phát triển mạnh ở những xã ven sông huyện Bảo Yên (Lào Cai). Khi đó, diện tích trồng dâu nuôi tằm ở huyện này đạt hơn 200ha.
Thế nhưng, Covid-19, ảnh hưởng thị trường tiêu thụ khiến giá tằm xuống thấp, người sản xuất lao đao. Giờ đây, thị trường tiêu thụ có nhiều tín hiệu tốt, nhu cầu sản phẩm thiên nhiên tăng cao là cơ hội phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương.
Giá kén hiện dao động từ 100-170 nghìn đồng/kg mang lại cho người trồng dâu nuôi tằm khoản thu nhập gấp 3 lần cây lúa, ngô.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện Bảo Yên, cây dâu tằm được xác định là cây chủ lực của huyện.
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên cho hay, nghề trồng dâu nuôi tằm có nhiều ưu điểm như mức đầu tư thấp, nhanh có thu nhập và đặc biệt hiệu quả kinh tế cao. Công việc này lại phù hợp với nhiều độ tuổi lao động, trình độ.
Trong khi đó, cây dâu nguyên liệu nuôi tằm rất hợp trồng ở vùng đất bãi phù sa ven sông Hồng, sông Chảy. Hiện nay, một số đơn vị, hợp tác xã trên địa bàn đã liên kết với bà con nông dân để mở rộng diện tích trồng… Với các yếu tố trên mở ra cơ hội phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm cho bà con nông dân địa phương. Qua đó góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế- xã hội…
Hiện nay, xã Việt Tiến và xã Kim Sơn nơi có nhiều diện tích đất màu nằm ven hai bờ sông Hồng và sông Chảy, được triển khai trồng cây dâu nuôi tằm.
Cho đến nay, diện tích cây dâu tằm của toàn huyện mới đạt hơn 30ha, con số khá tiêm tốn so với tiềm năng, mục tiêu đặt ra là giữ ổn định khoảng 300ha vào năm 2025; mở rộng lên 500ha cây dâu tằm vào năm 2030.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Xã Kim Sơn có diện tích dâu tằm đang cho thu hoạch khoảng 3,5ha. Trong đó, có hộ mới tham gia trồng dâu nuôi tằm, có hộ giữ được nghề từ nhiều năm.
Bà Nguyễn Thị Toàn ở thôn 1 Tân Văn, xã Kim Sơn lấy lá dâu cho tằm ăn và chia sẻ, có quãng thời gian khó khăn giá tơ tằm xuống thấp. Gia đình giữ lại cây dâu nhưng trồng xen ngô. Gần đây, giá kén bắt đầu tăng cùng lúc huyện và xã vận động khôi phục trồng dâu nuôi tằm nên quyết định trở lại với nghề này.
“Gia đình tôi không có nhân công. Mỗi vụ chỉ nuôi được 2 hoặc 3 vòng tằm, thu khoảng 6 triệu đồng mỗi đợt. Thấy có hiệu quả, gia đình tôi tu sửa nhà nuôi tằm và mở rộng diện tích trồng dâu”, bà Nguyễn Thị Toàn nói.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên cũng đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu và chọn giống tằm; hướng dẫn bà con áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, giảm công lao động. Với các biện pháp khoa học kỹ thuật, hiện thu nhập bình quân từ trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên ước đạt tới 145,8 triệu đồng/ha với giá kén ở mức 120 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa ở thôn Bảo Ân cùng xã Kim Sơn trước đây có 5ha trồng dâu, sau Covid-19 không hiệu quả nên chặt bỏ, hiện còn 2ha. Ông chia sẻ, nuôi tằm hiệu quả cao trong khi giờ có thuốc cả cây lẫn tằm giúp năng suất đạt từ 17 – 18kg/vòng. Hiện, mỗi đợt tằm cũng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng và có hợp tác xã thu mua tận nơi…
Hiệu quả kinh tế rõ rệt cùng với chính sách, động viên người nông dân tham gia sản xuất đã góp phần hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn, chính quyền địa phương khuyến khích, động viên người nông dân khôi phục phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm; gắn sản xuất với liên kết chế biến, xúc tiến quảng bá tìm kênh tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, mở ra hướng đi mới cho người dân, giúp người dân tăng thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Xây dựng chuỗi liên kết để phát triển bền vững
Cùng với khôi phục lại diện tích trồng dâu, nuôi tằm, chính quyền địa phương đã kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết bền vững, đảm bảo đầu ra cho người nông dân. Khi có vùng trồng đủ lớn, chính quyền sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy chế biến tơ tằm ngay tại địa phương để nâng cao giá trị của ngành hàng này.
Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần dâu tằm tơ Yên Bái cho hay, công ty hiện có 4 giàn máy, công suất ươm tơ đạt 2,5 tấn kén/ngày. Sản phẩm chính của công ty là tơ sợi xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Châu Âu…
Bên cạnh vùng nguyên liệu tại Yên Bái, công ty cũng đang phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại Lào Cai và Hà Giang. Công ty đánh giá rất cao tiềm năng vùng nguyên liệu tại Lào Cai và có thể phát triển với quy mô lớn.
Công ty sẵn sàng liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm kén cho nông dân thông qua các hợp tác xã. Đồng thời làm việc với các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu, xây dựng nhà máy ươm tơ khi hội đủ các yếu tố cần thiết…
Cùng với việc thu mua kén tằm lấy nhộng sản xuất đông trùng hạ thảo, hợp tác xã Nấm Tam Đảo cũng phối hợp với các đối tác thu mua kén tằm cho nông dân huyện Bảo Yên.
“Hợp tác xã cam kết thu mua với giá bình ổn 120 nghìn đồng/kg kén, biên độ dao động theo tình hình thực tế của thị trường nhưng không dưới 80 nghìn đồng/kg để bà con yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với nghề trồng dâu nuôi tằm”, ông Nguyễn Quốc Huy, giám đốc hợp tác xã khẳng định.
Hơn một năm qua, hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã khảo sát tại huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát… của tỉnh Lào Cai để mở rộng vùng trồng dâu nuôi tằm, với mục tiêu đạt 500ha cho thu hoạch lá vào năm 2026. Vùng nguyên liệu này nhằm đáp ứng cho mục tiêu mở nhà máy ươm tơ tại huyện Bảo Yên của hợp tác xã…
Tỉnh Lào Cai có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Lào Cai cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho người nông dân, góp phần phát triển ngành dâu tằm tơ xanh và bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn