Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm sáng 23/8, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm, thời gian qua đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả tích cực, đi đúng hướng và các giải pháp đề ra đã và đang phát huy tác dụng. Phó Thủ tướng lấy ví dụ như việc Bộ NN-PTNT đã công bố thêm các sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, với nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, Phó Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế, nổi lên là vấn đề ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã và đang được giao, các biện pháp trong Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sử dụng một cách hiệu quả nhất, tập trung nhất nguồn lực thực tế hiện có.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về ATTP, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung, có giải pháp khả thi.
Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý đề xuất của TP HCM liên quan đến việc sử dụng bộ test nhanh ATTP.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt.
Các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp chú trọng truyền thông hướng dẫn tiêu dùng thông minh. Nêu rõ, trong bảo đảm an toàn thực phẩm thì ý thức của người dân, hình thành thói quen, văn hóa tiêu dùng là mới bền vững, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, định hướng tiêu dùng là hết sức quan trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, truyền thông để cảnh tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vận hành mô hình Sở An toàn thực phẩm, có đánh giá trong quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, toàn ngành y tế kiểm tra trên 232,7 nghìn cơ sở, phát hiện trên 15 nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (40.403 cơ sở); đã xử lý 3.341 cơ sở, phạt tiền 2.285 cơ sở với số tiền phạt 19,86 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp thanh tra 4.659 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 232 cơ sở, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (11%) với số tiền phạt 2,228 tỷ đồng.
Ngành công Thương kiểm tra 3.068 vụ; xử lý 2.488 vụ; xử phạt 18,17 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 17,5 tỷ đồng…
Liên quan đến Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết thành phố tự cung ứng 60% nhu cầu thực phẩm, phần còn lại nhập từ các địa phương khác và từ nước ngoài, do đó việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ là vô cùng quan trọng. Thành phố dự kiến sẽ tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học, quanh khu vực trường học và trong dịp Tết Trung thu.
Ông Cương cũng nêu ra khó khăn trong việc kiểm tra sản phẩm kinh doanh qua mạng, khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc cửa hàng đã đóng cửa, trang web không còn hoạt động.
Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), chia sẻ rằng việc kiểm tra kênh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, vì nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua mạng mà chưa được cấp phép lưu hành. Đây là một thách thức lớn đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Theo đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ đang tích cực triển khai chương trình OCOP, đã công nhận 12.075 sản phẩm đạt chuẩn “OCOP 3 sao” trở lên, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (10.881 sản phẩm). Bộ cũng đang hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh rằng có hai yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn thực phẩm là công tác tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh. Bộ trưởng lưu ý cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, chú trọng cung cấp các định hướng cụ thể cho người dân và trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn thực phẩm, thay vì chỉ thông tin về các vụ ngộ độc. Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc các đơn vị Công an đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến an toàn thực phẩm, góp phần răn đe hiệu quả.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để kết nối với hệ thống của ngành y tế.
Nguồn: nongnghiep.vn