Ngày 11/7/2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Từ đây, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đạt 421 triệu USD. Đến năm 2023 con số xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 430% so năm 2022.
Dự kiến năm 2024, giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt từ 3 – 3,5 tỷ USD, khi ngày 19/8 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu đi các nước khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia… dưới hình thức cấp đông nguyên trái hoặc tách múi.
Trước đây, khi cấp đông bằng phương pháp máy nén truyền thống, trung bình mất 6 – 8 giờ để hoàn thành việc cấp đông cho một container 40 feet đạt -180C. Hiện nay, với hệ thống cấp đông mới, sử dụng công nghệ khí nitơ lỏng, việc cấp đông để đạt -180C chỉ mất khoảng 1 giờ, nhanh gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, nguồn cung khí nitơ hiện nay và sắp tới cùng với công nghệ, thiết bị đi kèm sẽ là vấn đề lớn khi sản lượng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đến thị trường Trung Quốc cũng như các nước khác tăng mạnh và cạnh tranh với hàng Thái Lan chuyên sử dụng khí nitơ để cấp đông sầu riêng.
“Malaysia đã từng gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung nitơ phục vụ cấp đông sầu riêng xuất khẩu do họ chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng cấp đông cho Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên suy nghĩ và để ý vấn đề này khi xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh qua Trung Quốc”, ông Nguyên nêu ý kiến.
Thực trạng tại vùng ĐBSCL, vẫn còn tình trạng nhà vườn, thương lái chạy theo số lượng, muốn bán giá cao nên cố tình cắt một số trái chưa đạt độ chín.
Ông Nguyên khẳng định, điều này rất nguy hiểm cho ngành sầu riêng Việt Nam nói chung, ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia Việt Nam. Do đó, phải có biện pháp kiểm soát, chế tài hoặc đưa ra các “luật lệ” nghiêm, xử phạt nặng hành động thu hái sầu riêng non xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng ngay tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn cho sầu riêng xuất khẩu tươi, đông lạnh như hàm lượng chất xơ, độ khô, độ brix… cho từng giống sầu riêng để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm tra chất lượng một cách chính xác, khách quan.
Mặt khác, các quy định cũng cần chỉ rõ sầu riêng nào được phép xuất khẩu, chẳng hạn chỉ 2 giống phổ biến Dona và Ri6 để bảo vệ thương hiệu quốc gia Việt Nam, tránh xuất khẩu tràn lan các giống không có uy tín.
Ngoài ra, hiện nay thương lái thu mua sầu riêng, kể cả doanh nghiệp chuyên đóng gói đang thiếu đội ngũ công nhân lành nghề để tuyển lựa trái, phân loại trái non, già. Việc lựa chọn trái còn rất thủ công với dụng cụ thô sơ là gõ trái.
Trong khi đó, tại các nước phát triển đã trang bị máy móc, mắt tia hồng ngoại để tuyển lựa trái cây như chanh, cam, quýt, bưởi, sơ ri… phục vụ xuất khẩu. Do đó, ông Nguyên đề xuất ngành nông nghiệp cần tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo tiêu chuẩn GAP cho nhà vườn cũng như kỹ thuật phân loại, đóng gói cho các đơn vị xuất khẩu. Thậm chí cần cấp chứng chỉ hành nghề cho công nhân gõ và phân loại trái để tăng cường chất lượng sầu riêng.
Về công tác cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói, dù được tổ chức khẩn trương tuy nhiên vẫn còn chậm so với nhu cầu và quy mô sản xuất của Việt Nam. Đến nay, cả nước có trên 700 mã số vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Những tháng cuối năm 2024, khi sản lượng và kim ngạch được kỳ vọng cao hơn nữa, điều này sẽ gây ra khó khăn cho ngành.
Nguồn: nongnghiep.vn