Thanh nhãn là một loại cây ăn quả đặc sản của vùng ĐBSCL, nổi bật với vị ngọt thanh, hương thơm nhẹ và giá trị dinh dưỡng cao. Ở huyện Cờ Đỏ, cây thanh nhãn được trồng trên diện tích rộng lớn với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp. Tuy nhiên, phương thức canh tác truyền thống sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc BVTV đã dẫn đến nhiều hệ lụy như thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thời gian qua nhận thấy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã giúp một số nông hộ, tổ hợp tác và HTX tại huyện Cờ Đỏ đã gặt hái được những thành công đáng kể.
Điển hình là mô hình của tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden, nơi các thành viên đã áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ trên diện tích hàng chục ha. Mô hình này đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường khó tính.
Ông Huỳnh Văn Bằng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết: toàn huyện có gần 5.000ha trồng cây ăn trái, với nhiều loại trái cây đặc sản chủ lực như: nhãn, xoài, mãng cầu xiêm, sầu riêng… Trong đó, thanh nhãn chiếm diện tích khoảng 330ha. Đây là loại trái cây có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tập trung hầu hết tại xã Thới Hưng. Đến nay toàn huyện đã cấp 33 mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây thanh nhãn, tham gia xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, EU và Trung Quốc.
“Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất hữu cơ không chỉ đến từ việc nâng cao giá trị sản phẩm mà còn từ việc giảm chi phí đầu vào. Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất và giảm thiểu việc mua thuốc BVTV, nông dân có thể tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Đồng thời, sản phẩm thanh nhãn hữu cơ thường có giá bán cao hơn 20-30% so với sản phẩm canh tác truyền thống, giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn” ông Huỳnh Văn Bằng khẳng định.
Mới đây Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group), UBND huyện Cờ Đỏ và tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden xuất khẩu 1,2 tấn thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Úc bằng đường hàng không.
Ông Trần Phước Sơn, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, tổ hợp tác có 69ha trồng cây ăn trái, với 11 nông hộ, địa điểm sản xuất. Tổ hợp tác đang nỗ lực liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau tạo ra những trái thanh nhãn thơm, ngon, an toàn thực phẩm, phục vụ cho khách hàng trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, mô hình sản xuất thanh nhãn theo hướng hữu cơ tại tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden vừa được ngành nông nghiệp tổ chức đánh giá tổng kết mô hình đem lại kết quả khả quan và được nhân rộng trong thời gian tới. Cụ thể sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ đã sử dụng thuốc trừ sâu, trừ nhện sinh học thay thế cho nhóm thuốc hóa học. Số lần phun thuốc trừ sâu nhện, rệp 10 lần/vụ, ít hơn vườn đối chứng 2 lần/vụ. Áp dụng phương pháp cắt cỏ, hạn chế phun thuốc trừ cỏ từ 2-3 lần.
Phân bón, vườn mô hình sử dụng 3 tấn phân hữu cơ/ha và kết hợp phân vô cơ. Về chỉ tiêu năng suất, vườn mô hình có đường kính và trọng lượng trái cao hơn vườn đối chứng. Về độ Brix, nghiệm thức hữu cơ có độ Brix cao hơn đối chứng.
Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận mô hình trồng nhãn hữu cơ đạt trên 27 triệu đồng/kg, cao hơn từ 3-4 triệu đồng/ha so với trồng nhãn theo tập quán truyền thống.
Sản xuất thanh nhãn theo hướng hữu cơ tại TP Cần Thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao về thực phẩm sạch và an toàn mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị kinh tế bền vững cho nông dân. Mặc dù còn nhiều thách thức cần vượt qua, nhưng với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức liên quan, mô hình sản xuất hữu cơ tại Cờ Đỏ chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng trong tương lai.
Nguồn: nongnghiep.vn