Thời gian qua, sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với nhiều loại cây ăn trái khác. Hiện nay, diện tích cây sầu riêng đang phát triển “nóng” tại nhiều địa phương tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Đến cuối năm 2023, diện tích sầu riêng cả nước đạt trên 150,8 nghìn ha, bình quân giai đoạn 2015 – 2023 tăng 19,5%/năm, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn. Nhu cầu sử dụng thuốc BVTV cho sầu riêng tăng theo là tất yếu. Để quản lý tốt dịch hại trên sầu riêng, tránh dư lượng thuốc BVTV, các nhà khoa học đã vào cuộc nghiên cứu quy trình quản lý tổng hợp cho cây trồng này.
Ưu tiên biện pháp sinh học
Theo TS Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Bộ môn BVTV (Viện Cây ăn quả miền Nam), đối với cây sầu riêng, bà con cần nhận diện chính xác các loại dịch hại chính để có biện pháp quản lý phù hợp đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Về sâu hại cây sầu riêng thường có rầy nhảy, rầy xanh, bọ trĩ, nhện đỏ, xén tóc đục thân – cành, mọt đục thân – cành, rệp sáp, sâu đục trái. Về bệnh hại có bệnh có bệnh cháy lá, xì mủ thân, đốm lá, nấm hồng, thối rễ, cháy lá chết ngọn, thối hoa, thối trái, đốm rong. Từng đối tượng sâu bệnh hại có thời điểm tấn công cụ thể. Nông dân cần nhận diện đúng dịch hại, chu kỳ xuất hiện để có biện pháp phòng trừ phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh sử dụng thuốc hóa học để quản lý dịch hại, nông dân nên áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp, trong đó có giống, giải pháp vật lý, sinh học, canh tác. Đặc biệt, nên chú ý nhiều đến giải pháp sinh học.
Đối với biện pháp giống, có thể chọn giống Chanee và Lá quéo làm gốc ghép để chống chịu với bệnh xì mủ thân và thối rễ bởi giống này kháng tốt với nấm Phytophthora. Về biện pháp canh tác, bà con không nên tiêu diệt mà cần quản lý cỏ dại để tạo nơi ở cho thiên địch, vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán và cung cấp dinh dưỡng cân đối cho cây. Vệ sinh vườn là giải pháp rất quan trọng nhưng đa số nông dân chưa chú ý. Vệ sinh vườn tạo độ thông thoáng, đồng thời thu gom và tiêu hủy trái nhiễm sâu đục trái, rệp sáp, bệnh hại…
“Khi cây được khoảng 5 năm tuổi chúng ta cần cắt ngọn, chiều cao của cây bằng với khoảng cách các cành, chừa lại tối thiểu 18 cành cấp 1 là những cành đủ lớn, đường kính lớn hơn 4cm. Đối với biện pháp dinh dưỡng, bà con cần bón cân đối giữa phân vô cơ và phân hóa học để tăng hoạt động của vi sinh vật.
Khi cây bị bệnh cần giảm đạm, tăng kali, phốt pho và tăng pH đất. pH cao thì vườn rất ít bị nhiễm sâu bệnh. Nếu pH đất từ 6 – 6.5 thì hầu như rất ít sâu bệnh, ngược lại, pH từ 5 trở xuống sẽ bị bệnh liên tục. Để tăng pH đất có thể bón vôi, tưới axit humic…”, TS Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết.
Đối với biện pháp vật lý, có thể sử dụng bẫy đèn thu hút ấu trùng của sâu đục trái, xén tóc hoặc sử dụng bã thức ăn để quản lý kiến, phòng trừ rệp sáp. Không có kiến thì sẽ không có rệp sáp vì kiến tha rệp sáp đi.
Sử dụng bẫy dính để quản lý rầy xanh, bọ trĩ, nhện. Nhân nuôi bọ rùa, bọ cánh lưới, bọ đuôi kìm, nhện ăn mồi để quản lý nhện đỏ, rệp sáp, sâu đục trái… Số lượng phóng thích khoảng 5.000 con/ha, thời gian thả từ 8 – 10 giờ sáng và 3 – 5 giờ chiều. Bên cạnh đó, sử dụng những nấm ký sinh như nấm tím (Paecilomyces), nấm xanh (Metarhizium) để quản lý rệp sáp, nhện, bọ trĩ, sâu đục trái, tuyến trùng… Sử dụng ong ký sinh (Annasius advena) trên rệp sáp. Ngoài ra, còn có thể sử dụng các dịch trích thảo mộc (từ 1 – 5%) như dầu thực vật, tỏi, sài đất, neem, ngũ sắc, xuyến chi để phun trừ nhện, bọ trĩ, rầy xanh, rầy nhảy, sâu đục trái, thối trái, cháy lá…
Một giải pháp mới hiện nay là sử dụng dầu thực vật. Sử dụng dầu thực vật để làm mòn lớp kitin của côn trùng, sau đó kết hợp sử dụng một số loại thuốc BVTV thì sẽ hiệu quả trong việc quản lý một số đối tượng. Hoặc sử dụng vi sinh vật đối kháng như Trichoderma hay vi khuẩn Bacillus subtilis để quản lý một số bệnh như thối rễ, xì mủ thân, thán thư, thối trái…
Đối với biện pháp hóa học, nông dân cần tìm hiểu, sử dụng các hoạt chất phòng trừ sâu bệnh hại trong danh mục cho phép, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”.
Thay dần thuốc BVTV hóa học bằng sinh học
Tại Tiền Giang, đến cuối năm 2023, diện tích sầu riêng của tỉnh khoảng 22.000ha, trong đó diện tích cho trái khoảng 15.000ha với sản lượng khoảng 386.000 tấn. Vùng trồng chủ yếu tại các huyện phía tây của tỉnh như Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Các dịch hại phổ biến nhất trên cây sầu riêng tại Tiền Giang là xì mủ, rầy nhảy, thán thư trên lá… Ngoài ra còn có số ít rệp sáp, rầy xanh, sâu đục trái. Đáng quan tâm, trong mùa khô 2024, toàn tỉnh có đến 5.597ha bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cháy lá. Sở NN-PTNT Tiền Giang đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV) để hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp quản lý. Đến nay, số sầu riêng này đã phục hồi, ra lá mới, có thể cho trái trong vụ tiếp theo.
Để quản lý tốt các loại dịch hại, Chi cục Trồng trọt và BVTV Tiền Giang đã hướng dẫn nông dân quy trình canh tác sầu riêng theo GAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nên sâu bệnh hại có xuất hiện nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng.
Hàng năm, tỉnh tổ chức khoảng 40 cuộc tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng cho khoảng 1.200 nông dân. Đặc biệt, tăng cường giám sát dư lượng thuốc BVTV đối với các vùng trồng sầu riêng xuất khẩu (khoảng 7.000ha) với 155 mã số.
Đến nay, diện tích sầu riêng được chứng nhận GAP đạt 184,58ha của 15 cơ sở. Dẫu diện tích này không lớn so với tổng diện tích sầu riêng cả tỉnh nhưng quá trình canh tác người dân áp dụng theo quy trình GAP nên chất lượng cơ bản đảm bảo về an toàn thực phẩm. Theo ước tính, trong năm 2023, tổng lượng thuốc BVTV nông dân sử dụng cho sầu riêng là 3kg, lít/ha, trong đó thuốc sinh học chiếm 31%.
Từ năm 2019 đến nay, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ quả sầu riêng của nước ta chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, đứng đầu về tốc độ tăng trưởng (năm 2023, thị phần sầu riêng Việt Nam chiếm 32%).
Để tránh trường hợp sầu riêng bị trả hàng do tồn dư chất cấm, dư lượng hóa chất vượt mức cho phép, nông dân cần được tập huấn, tăng cường kiến thức nhận diện các dịch hại và biện quản lý dịch hại tổng hợp, nhất là áp dụng các biện pháp sinh học.
“Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh sử dụng thuốc BVTV sinh học. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ nhằm thay dần sử dụng thuốc sinh học, hướng đến sản xuất an toàn, quản lý tốt hơn nữa dư lượng thuốc BVTV trên sầu riêng”, bà Võ Thị Kim Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn