Nông dân thở phào nhẹ nhõm
Thời điểm này, nông dân Quảng Nam đang bước vào thu hoạch lúa vụ hè thu. Chạy dọc theo những tuyến đường từ vùng đồng bằng đến miền núi, đâu đâu cũng bắt gặp những cánh đồng lúa bát ngát, đẹp như tấm thảm rực rỡ sắc vàng. Chốc chốc những chiếc máy gặt với tiếng động cơ rền vang, hối hả thu hoạch lúa.
Suốt từ đầu đến cuối vụ hè thu 2024, cũng như các tỉnh thành khác ở khu vực miền Trung, người trồng lúa ở tỉnh Quảng Nam không khỏi lo lắng, bất an trước nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Có những thời điểm nền nhiệt độ lên đến 39 – 40 độ C đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Thế nhưng bây giờ, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến đồng ruộng được mùa, đạt năng suất vượt trên cả kỳ vọng.
Vừa thu hoạch xong ruộng lúa nhà mình, ông Nguyễn Thuận (trú xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phấn khởi cho biết, vụ này, gia đình ông sản xuất 3 sào (sào 500m2) lúa. Cùng với diện tích này trong vụ hè thu năm ngoái, gia đình ông Thuận chỉ thu được 16 bao lúa (bao loại 50kg) thì vụ hè thu này lên đến 24 bao.
“Nhìn chung, vụ lúa hè thu năm nay được nhiều thứ, tỷ lệ hạt lép trên bông lúa ít hơn năm ngoái, hạt vàng, sáng, đẹp hơn. Giá lúa cũng được thương lái thu mua ở mức cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Vừa rồi thu hoạch xong tôi bán được 7 triệu đồng trong khi vụ trước 3 sào lúa của tôi chỉ bán được 4,5 triệu đồng. Bà con trong thôn thấy lúa trúng mùa, được giá nên ai cũng vui”, ông Thuận chia sẻ.
Theo ông Ngô Văn Phi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), đến thời điểm này, HTX đã thu hoạch được khoảng 25ha, tương đương 10% diện tích lúa vụ hè thu của HTX. Qua thống kê, năng suất lúa vụ này đạt 70 tạ/ha. “Vụ hè thu năm nay năng suất cao hơn năm ngoái khoảng 10 tạ/ha. Dự kiến khoảng 20 ngày nữa, chúng tôi mới thu hoạch xong toàn bộ diện tích”, ông Phi nói.
Không chỉ riêng vùng đồng bằng, người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam cũng chung không khí phấn khởi trước vụ lúa thắng lợi. Tại huyện Đông Giang, ngoài diện tích sản xuất lúa nước thì vụ này cũng là vụ lúa rẫy chính với giống lúa Ba Trăng của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Theo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang, vụ lúa Ba Trăng năm 2024, tổng diện tích gieo trỉa trên địa bàn huyện đạt gần 320ha, tập trung nhiều tại các xã Tà Lu, Za Hung và thị trấn Prao.
Ông Nguyễn Tài, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang thông tin, vụ lúa rẫy của bà con có vai trò rất quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực, nhất là vào mùa mưa và giáp hạt. Do đó, người dân đều tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sản xuất. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng chủ động hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất đúng lịch thời vụ, giúp bà con theo dõi diễn biến sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ kịp thời.
“Vụ này cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại, năng suất bình quân ước đạt 20 tạ/ha, tăng từ 0,5 đến 1 tạ/ha so với năm 2023. Đây được đánh giá là vụ được mùa nhất từ trước đến nay, tạo thêm niềm vui đối với đồng bào miền núi”, ông Tài nói.
Phương châm “xanh nhà hơn già đồng”
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh sản xuất hơn 41.500ha lúa. Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích. Mặc dù năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng trong quá trình phát triển của cây lúa cũng gặp nhiều điều kiện thuận lợi, song song đó ngành chức năng đã chỉ đạo tích cực, sát sao, có hiệu quả nên lúa đạt năng suất cao. Qua thống kê ban đầu, năng suất lúa vụ này của Quảng Nam dự kiến đạt khoảng 62 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu năm 2023 từ 4 – 5 tạ/ha.
Ông Nguyễn Xuân Cẩm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, ngay từ đầu vụ, các đơn vị chức năng đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân tuân thủ lịch thời vụ cũng như đưa ra cơ cấu bộ giống phù hợp. Cùng với đó, xuyên suốt quá trình sản xuất, vào thứ 2 đến thứ 3 hàng tuần, Trung tâm đều cử cán bộ đi kiểm tra các đồng ruộng, kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường để khuyến cáo bà con.
“Vào thứ 5 hàng tuần, chúng tôi đều phát thông báo cho bà con thông qua các phương tiện thông tin về tình hình sâu bệnh hại cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ. Nhờ vậy, thời gian qua, không có bất kỳ đợt sâu bệnh nào gây hại diện rộng trên lúa hè thu. Cùng với đó, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng nhiều đợt mưa xen kẽ vào các thời điểm quan trọng của cây lúa cũng là yếu tố thuận lợi để đảm bảo được năng suất”, ông Cẩm nói.
Một trong những yếu tố quyết định đến năng suất lúa vụ hè thu của tỉnh Quảng Nam nữa là nước tưới. Vào cuối mùa mưa bão năm ngoái, hầu hết các hồ chứa thủy lợi của tỉnh này đều đã tích đầy nước. Nhận định tình hình thời tiết trong năm nay sẽ đối mặt với khô hạn, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị thủy lợi tính toán các phương án tưới tiết kiệm ngay từ vụ đông xuân. Nhờ đó đến cuối vụ hè thu năm nay, lượng nước tưới cho hầu hết các diện tích lúa và cây trồng khác đều đáp ứng đủ.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, ngoài thời tiết thuận lợi, sâu bệnh hại không đáng kể, lượng nước tưới đầu đủ thì trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã chú trọng đến việc đưa vào cơ cấu các giống lúa năng suất, chất lượng cao như BC15, Thiên ưu 8, VNR20, TBR97, Hà Phát 3… phù hợp với điều kiện canh tác của người dân trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia, phối hợp với ngành chức năng thực hiện các mô hình trình diễn, liên kết sản xuất giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mặc dù vậy, vào giữa tháng 8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa giông kèm lốc xoáy gây ngã đổ một số diện tích cây trồng, trong đó có khoảng trên 500ha lúa. Trước tình hình thời tiết bất lợi sắp tới và để đảm bảo vụ hè thu 2024 thắng lợi toàn diện, ông Vũ đề nghị các địa phương huy động máy gặt, vận động nông dân tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên, lúa chín đến đâu, thu hoạch đến đó với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
“Đối với những diện tích bị ngã đổ, ngành chức năng cần hướng dẫn người dân khẩn trương dựng lúa lên, cột thành chùm để tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc, chín và tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, thu hoạch kịp thời khi lúa chín. Đồng thời tháo cạn nước mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch”, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị.
Nguồn: nongnghiep.vn