Chiều 28/8, tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần thứ 35 năm 2024, ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, các địa điểm du lịch ở Hải Phòng đã thu hút hơn 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 502 nghìn lượt, tổng doanh thu ước đạt hơn 5,1 nghìn tỷ đồng.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà đã được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản Địa chất quốc tế cùng với 99 địa điểm khác trên thế giới. Di sản được công nhận nhờ hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo karst.
Riêng tại Cát Bà, hiện nay có 68 tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ, lượng khách đã hơn 1,6 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, phí tham quan đến nay ước đạt đã hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, trong đó thu các tàu du lịch nghỉ đên trên vịnh Lan Hạ khoảng 140 tỷ đồng.
Sau 1 năm vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 2 cuộc họp để xây dựng, thống nhất cơ chế phối hợp giữa 2 địa phương nhằm khai thác không gian du lịch nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành được một số nội dung.
Hiện tại, tàu du lịch Hải Phòng chỉ hoạt động trên vịnh Lan Hạ, còn tàu du lịch của Quảng Ninh thì hoạt động trên vịnh Hạ Long. Hai địa phương cũng đã tổ chức hội nghị để giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp và phân công nhiệm vụ từng địa phương nhằm xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
“Sở Du lịch đã có kế hoạch khai thác không gian du lịch Cát Bà – Hạ Long, đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao, Vườn quốc gia Cát Bà cùng các cơ quan liên quan để thống nhất với phía tỉnh Quảng Ninh về cơ chế phối hợp giữa hai địa phương. Thời gian tới sẽ sớm ký kết mở rộng khai thông tuyến du lịch Hạ Long Cát Bà, mở rộng không gian du lịch”, ông Vũ Huy Thưởng thông tin.
Tháng 7/2024, UBND thành phố Hải Phòng đã thông qua đề án tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng, đề xuất được các định hướng và giải pháp phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái du lịch hiệu quả, môi trường đầu tư hấp dẫn và phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, sẽ phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất ngành du lịch hiện đại, chất lượng cao.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, Cát Bà sẽ được công nhận là Khu du lịch quốc gia gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững, khai thác và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, hoàn thiện được các công trình, dự án kết nối giao thông quan trọng với trung tâm thành phố, Đồ Sơn, đảo Long Châu, huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Còn với Đồ Sơn, nơi đây sẽ được công nhận là khu du lịch quốc gia theo mô hình du lịch đa chức năng, tận dụng lợi thế đô thị ven biển, gần trung tâm đô thị lõi gắn với dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đa chức năng, thể thao, lễ hội, văn hóa, ẩm thực, mua sắm; hoàn thiện được các công trình, dự án có điểm nhấn hướng tới khách du lịch quốc tế cao cấp.
Từ sau năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hải Phòng trở thành điểm đến quốc tế có sức cạnh tranh cao với các khu du lịch vươn tầm quốc tế Cát Bà, Đồ Sơn; Đô thị Cảng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, VCGT đô thị đặc sắc riêng có của cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sẽ đóng góp từ 10% GRDP thành phố.
“Định vị thương hiệu du lịch Hải Phòng gắn với sản phẩm du lịch đặc trung của thành phố cảng và chiến lược quảng bá điểm đến. Xây dựng được nền tảng quan trọng về chính sách đầu tư phát triển du lịch, xác định rõ không gian, loại hình phát triển du lịch cho từng khu vực gắn với ưu tiên nguồn lực đất đai, định hướng thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng công cộng đồng bộ. Hải Phòng sẽ trở thành điểm đến an toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn – đậm đà bản sắc con người đất Cảng”, mục tiêu đề án nêu.
Hải Phòng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, du lịch đón khoảng 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 12.400 tỷ đồng; năm 2030, du lịch đón khoảng 20 triệu lượt khách, trong đó có 2,8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 25.500 tỷ đồng. Về xã hội, du lịch giải quyết việc làm cho 18.700 lao động trực tiếp vào năm 2025, còn đến 2030 sẽ là 23.000 lao động trực tiếp.
Nguồn: nongnghiep.vn